Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo phải thực sự là một hạ tầng xã hội quan trọng.

Sáng ngày 15/12/2023, Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN)  phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo khoa học “Khuyến nghị các giải pháp gắn kết chặt chẽ Các chương trình KH&CN Quốc gia tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam”. Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Công tác phía Nam chủ trì Hội thảo; Bà Phạm Thị Ngọc Đào, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp, đồng chủ trì.

Tham dự Hội thảo có các đại diện Văn phòng Các Chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia; đại diện một số đơn vị của Bộ KH&CN tại phía Nam;  lãnh đạo và đại diện các Sở KH&CN trong vùng Tây Nam Bộ, cùng các diễn giả và lãnh đạo đại diện cho các Viện nghiên cứu, Doanh nghiệp, Trường đại học các tỉnh phía Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Công tác phía Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Thời gian qua, KH&CN phát triển đúng định hướng, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả nổi bật. Các địa phương xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Tuy nhiên, để KH&CN đáp ứng hiệu quả yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội địa phương cần có những giải pháp tiếp tục để KH&CN thành động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững kinh tế, xã hội địa phương và vùng.

Hội thảo đã được các báo cáo viên trình bày các tham luận: Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; các vấn đề nghiên cứu nổi bật trong giai đoạn 2013 - 2023, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp Nâng cao Năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hoá GĐ 2021 – 2030; các hoạt động xây dựng nhận thức về Sở hữu trí tuệ (SHTT); các hoạt động hỗ trợ địa phương về SHTT thông qua các chương trình quốc gia; các vấn đề thực tiễn khi tham gia hình thành và triển khai các đề tài/ dự án nghiên cứu tham gia các Chương trình KH&CN Quốc gia; nhiệm vụ “Xây dựng nền tảng nông nghiệp thông minh” tại Đồng Tháp; giải pháp liên kết các chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia với yêu cầu thực tiễn nhằm phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo đã nhận được một số đề xuất từ các chuyên gia như việc các Sở KH&CN địa phương là đầu mối nắm bắt kịp thời, cập nhật đầy đủ các thông tin về các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia; kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn với các cơ quan, nhà khoa học và giới thiệu các kết quả các đề tài nghiên cứu phù hợp với doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, đề xuất nhiệm vụ thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia; chủ động đề xuất với chính quyền địa phương các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc lồng ghép các nhiệm vụ khoa học và công nghệ v.v… Hội thảo ghi nhận các kiến nghị từ địa phương và doanh nghiệp tham mưu, đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng các dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia sát với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng. 

Theo TS. Phạm Ngọc Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới và Phát triển bền vững (RIFISD), để gắn kết các chương trình KH&CN cấp Quốc gia với yêu cầu thực tiễn nhằm phục vụ thiết thực và có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần phải gắn kết từ khâu xây dựng chương trình, xác định nhiệm vụ KH&CN, tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ, đến kiểm tra, đánh giá, tổ chức nghiệm thu và đưa vào ứng dụng… 

Các chuyên gia tham dự Tọa đàm.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn tham gia tọa đàm xoay quanh các nội dung về chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, chương trình năng suất chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả kinh tế và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phía Nam. Các chuyên gia cũng nêu một số vấn đề tồn tại và kiến nghị giải pháp khắc phục như việc cần có sự quan tâm, cam kết ủng hộ rõ ràng từ lãnh đạo cao nhất địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN; cần chuẩn bị nhân lực để tiếp nhận; cần xây dựng các nhận thức cộng đồng để các nhiệm vụ tiếp tục phát huy hiệu quả sau khi kết thúc.

Các chuyên gia đều thống nhất, giờ đây với yêu cầu thực tiễn địa phương khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải thực sự là một hạ tầng xã hội quan trọng, không chỉ các cấp lãnh đạo mà cả cộng đồng cần thấy rõ việc này. Không thể dừng lại với các đề tài, dự án mà phải duy trì, nhân rộng các kết quả thành công của các nhiệm vụ ra cộng đồng, xã hội vì vậy không chỉ có nguồn lực từ ngân sách Nhà nước mà cần sự vào cuộc của nguồn lực khác trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp. Với đặc thù địa phương và vùng Tây Nam Bộ, trước mắt các chương trình quốc gia trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ và Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng sẽ là công cụ quan trọng, kịp thời giúp địa phương trong tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế.