Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.
Sáng 24/9/2019, tại TP Vũng Tàu, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) tổ chức Hội nghị “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”. Hội nghị khoa học quan trọng này là một trong những hoạt động nhằm triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT Nguyễn Hồng Lĩnh, lãnh đạo các tỉnh/thành phố khu vực Đông Nam Bộ và hơn 300 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học vùng Đông Nam Bộ.
Đông Nam Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, phát triển KH&CN, giáo dục và đào tạo, thu hút đầu tư nước ngoài của cả khu vực phía Nam. Đồng thời là vùng kinh tế phát triển năng động và có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế của cả nước, góp phần to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao trong những năm gần đây. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”. Chủ đề này rất có ý nghĩa vì nó không chỉ quan trọng đối với vùng Đông Nam Bộ mà nó còn có ý nghĩa đối với cả nước vì nếu không có khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì Việt Nam sẽ không bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh của thế giới.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT khẳng định: Những năm qua, BR-VT đã kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, các dự án có ứng dụng KH&CN cao, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, BR-VT hoàn toàn tự tin vào đường hướng phát triển. Tuy nhiên, để KH&CN là động lực thúc đẩy sự phát triển cho BR-VT nói riêng và các tỉnh/thành phố khác nói chung, Bộ KH&CN cần điều chỉnh các mô hình chính sách cho 3 đối tượng: nhà nghiên cứu, nhà khoa học; doanh nghiệp ứng dụng KH&CN; thu hút dự án FDI có ứng dụng KH&CN. Khi các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi họ sẽ có động lực để sáng tạo, đổi mới, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất... Lúc đó KH&CN sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách thực chất và hiệu quả đối với vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung; đẩy mạnh liên kết “3 nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới sang tạo và khởi nghiệp sáng tạo; giải pháp nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm. Hầu hết đại biểu đều cho rằng, để KH&CN thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật và thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể về KH&CN; cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài hợp tác, hỗ trợ giải quyết bài toán cụ thể của Việt Nam; cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH&CN không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường liên kết viện, trường, và doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.