Hội nghị giao ban KH&CN Vùng Đông Nam Bộ lần thứ XV

Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng Đông Nam Bộ lần thứ 15 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức vào ngày 23/9/2019 tại TP Vũng Tàu. Hội nghị nhằm đánh giá các kết quả hoạt động KH&CN của vùng giai đoạn 2017-2019; kết quả thực hiện các nội dung trong Thông báo kết quả Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ lần thứ 14; những đóng góp của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng; phân tích những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị phát triển KH&CN trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tham dự và chủ trì Hội nghị.

Vùng Đông Nam Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, phát triển KH&CN, giáo dục đào tạo, thu hút đầu tư nước ngoài của cả khu vực phía Nam. Đồng thời là vùng kinh tế phát triển năng động và có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế của cả nước (năm 2018 đóng góp 45,4% GDP và 42,6% tổng thu ngân sách của cả nước), góp phần to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao trong những năm gần đây. Để đạt được những thành tựu nổi bật này, hoạt động KH&CN của các địa phương trong vùng đã có những đóng góp hết sức quan trọng.
Thông qua việc ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển KH&CN của vùng ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về KH&CN, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Điển hình như TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại Khu Công nghệ cao… Tỉnh Bình Dương đã thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2018-2025... Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019-2025.
Theo số liệu báo cáo của các Sở KH&CN, tính đến tháng 8/2019, các tỉnh, thành phố trong toàn vùng đều đã ban hành Kế hoạch về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, qua đó đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hình thức khác nhau (tổ chức khóa đào tạo, tham gia techfest...), nhiều địa phương đã hình thành được các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp như: cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian làm việc chung, tổ chức cung cấp dịch vụ… Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương đang được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong giai đoạn 2017-2019 đã có 286 dự án đầu tư tại 7 tỉnh, thành phố đã được thẩm định công nghệ; hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho 1177 cơ sở sử dụng bức xạ; thẩm định, cấp phép cho 1.213 cơ sở đủ tiêu chuẩn về an toàn bức xạ; thường xuyên kiểm tra an toàn và kiểm soát bức xạ tại 3.490 cơ sở y tế và 1.342 các cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn phóng xạ. Đến tháng 7/2019, các tỉnh trong vùng đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho hơn 100 doanh nghiệp…

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về KH&CN trong vùng đang ngày càng được tăng cường và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, công nghệ, sở hữu trí tuệ, thông tin thống kê, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trên địa bàn các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động KH&CN trong vùng cũng còn gặp không ít khó khăn, cần được tháo gỡ. Những khó khăn này đã được lãnh đạo các sở KH&CN nêu cụ thể tại Hội nghị, trong đó tập trung vào các vấn đề như: cơ chế tài chính trong việc chi trả thù lao cho các nhà khoa học tham gia vào việc nghiên cứu, khảo sát, thẩm định…; khó khăn về nhân sự và cơ sở kỹ thuật trong thẩm định công nghệ; quỹ đầu tư phát triển KH&CN hoạt động chưa hiệu quả do các ràng buộc về cơ chế, thủ tục hành chính; lúng túng trong việc kiện toàn nhân sự và bộ máy tổ chức khi thực hiện sáp nhập các trung tâm trực thuộc các sở…
Chia sẻ với ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đề nghị các sở KH&CN phối hợp cùng các đơn vị trực thuộc Bộ giải quyết sớm những vấn đề trước mắt; đối với những khó khăn về lâu dài liên quan tới chính sách, sự phối hợp liên ngành… Bộ KH&CN sẽ ghi nhận để kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ để có giải quyết trong thời gian tới.