Chương trình kết nối Doanh Nghiệp Startups giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Ngày 27/8/2021, Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN (ASA.MOST) đã phối hợp với Seoul Startup Hub (SSH) cùng Tổ chức Innovation Capital Management (ICM) tổ chức hội thảo trực tuyến “THE STARTUPS BUSINESS CONNECTION PROGRAM BETWEEN VIETNAM AND KOREA” với sự tham gia của các chuyên gia từ phía Việt Nam như Founder/CEO của Ea’sGo Digital, Founder/CEO của NamiQ AI, về phía Hàn Quốc có ông Kim Tae Hoon, đại diện của SSH và 6 công ty Start-up thuộc các lĩnh vực CNTT, AI ứng dụng trong việc hỗ trợ các công ty truyền thông thực hiện việc marketing qua các template, hình ảnh, âm thanh được cung cấp, dịch vụ bất động sản... qua buổi hội thảo này bước đầu sẽ tạo ra một môi trường đầu tư chuyên nghiệp cho các bên tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam một cách hiệu quả thông qua các hoạt động xúc tiến truyền thông và kết nối giao thương giữa Doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc từ đó hướng đến mục tiêu Giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của mình, đề xuất phương pháp, tiêu chí lựa chọn cho Đối tác.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu tư đổi mới tại Việt Nam đã nhận định và chia sẻ thông tin, cách tiếp cận thị trường đầu tư phù hợp vào thị trường Việt Nam và cơ hội tiềm năng để thúc đẩy các cơ chế hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

 

Sau buổi Hội thảo, Phòng Hợp tác và phát triển tiềm lực KH&CN đã có buổi phỏng vấn Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam trao đổi chủ đề của Hội thảo:

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (bên trái) chia sẻ thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại sự kiện kết nối công nghệ 2020.

 Ông đánh giá thế nào về các Star-Up Hàn Quốc tham gia chương trình kết nối lần này?

Như các bạn đã biết, sự kiện lần này Cục Công tác phía Nam (ASA.MOST) và đối tác Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Tp. Seoul trực thuộc Thị trưởng Seoul (SSH) phối hợp với ICM (Innovation Capital Management) tổ chức. Trước hết tôi có thể khẳng định các đơn vị tổ chức đều là những người tâm huyết, có đóng góp nhất định cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và Hàn Quốc, SSH lựa chọn có chủ đích, lần này họ giới thiệu 6 Start-up tập trung vào các nền tảng phát triển nội dung trực tuyến, giàu tiềm năng, có mong muốn sớm tham gia vào thị trường Việt Nam. Sự kiện lần này là bước khởi đầu, mang tính “tập huấn” (coaching) cho các start-up Hàn Quốc những điều quan trọng, điểm lưu tâm khi tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi rất hài lòng, các Start-up đánh giá cao các góp ý và gợi ý quan trọng từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đánh giá chung, Start-up lần này đều rất trẻ trung, tài năng, sản phẩm giàu tiềm năng có tính thị hiếu cao, mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, họ cũng tỏ rõ việc còn thiếu kinh nghiệm, đôi chỗ đơn giản là thiếu thông tin về thị trường Việt Nam. Các chuyên gia nhanh chóng nhận thấy yếu điểm này, cởi mở tư vấn thẳng thắn và chân thành. Có thể đánh giá chung các Start-up lần này với hai chữ “T”: Tài năng và Tiềm năng.

   Là đơn vị đã theo đuổi nhiều năm trong chương trình kết nối Start-up Hàn-Việt, Ông có thể chia sẻ một số điểm lưu tâm khi các doanh nghiệp Hàn quốc thâm nhập thị trường Việt Nam?

Thực lòng chúng tôi đã có 2 năm theo đuổi chương trình này, không dài nhưng cũng không ngắn, điểm quan trọng theo tôi là trong 2 năm qua chúng tôi chỉ có một đối tác cùng triển khai tại Hàn Quốc là SSH. Trải nghiệm cùng nhau, 2 đơn vị đầu mối thực sự hiểu tình hình hai bên, từ đó tìm kiếm đối tượng tham gia sao cho đảm bảo tính thành công cao, có thể nói điểm này rất quan trọng. Trong thực tế thì chúng tôi cũng có vài lần hiệu chỉnh chương trình sao cho thực tiễn. Thời gian đầu chúng tôi tập trung ngay vào khâu kết nối (matching). Sau khi, phân tích tính tương đồng về lĩnh vực kinh doanh giữa các doanh nghiệp 2 nước chúng tôi kết nối họ với nhau. Tiếp theo chúng tôi phát triển các hợp phần thúc đẩy như “tech roadshow”, “tech exchange” ... Nếu nói giai đoạn này không hiệu quả thì không chính xác phải khẳng định là có thành công, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy thiếu tính bền vững. Khi chuyển sang thương thảo hợp tác sâu hơn, sự khác biệt bộc lộ và nhiều mối liên kết đã phải dừng lại. Đánh giá lại chúng tôi nhận thấy, đa phần Start-up Hàn Quốc rất ít thông tin về thị trường Việt Nam, môi trường đầu tư, yếu tố văn hóa cũng như thị hiếu…đa phần họ là tài năng trẻ, kinh doanh những sản phẩm giải pháp theo xu hướng toàn cầu hóa, do đó, họ bị tắc khi tiếp cận sâu vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi thống nhất cần hiệu chỉnh chương trình, bằng cách bổ sung hợp phần “tiền kết nối”, cải tiến quá trình chọn lựa doanh nghiệp Hàn Quốc, sẽ không chỉ SSH mà có sự tham gia đánh giá của ASA.MOST. Tiếp theo chúng tôi chạy các mô đun “tập huấn” cho Start-up Hàn Quốc bởi tư vấn chuyên gia giàu kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam. Chuyên gia giúp Start-up hiệu chỉnh cách tiếp cận thị trường sao cho thật khả thi và bền vững. Sự kiện vừa qua là một trong những bước “tập huấn” trong hợp phần “tiền kết nối”. Làm kỹ khâu này chúng tôi mới chuyển vào kết nối. Vất vả hơn nhưng cơ hội thành công sẽ bền vững.

   Theo ông cơ hội nào cho doanh nghiệp VN khi tham gia kết nối với Starup Hàn Quốc?

Ý tưởng này được đề xuất của chúng tôi (ASA.MOST), vì vậy tôi khẳng định nó có gốc gác từ lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam. Đánh giá cao tiềm lực công nghệ của các doanh nghiệp Hàn Quốc, không chỉ các ý tưởng sáng tạo giàu tiềm năng, tính vượt trội của các Start-up mà tiềm lực công nghệ, vốn đầu tư trong hệ sinh thái Hàn Quốc là điều chúng ta cần hết sức quan tâm, tận dụng. Đương nhiên, “không có bữa trưa nào miễn phí”, ông tìm cơ hội ở thị trường tôi thì phải “thò” cho tôi cái gì đó, chúng tôi ngắm vào tiềm lực công nghệ, thứ mà doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các trường hợp thành công vừa qua là minh chứng rõ ràng, sinh động. Doanh nghiệp chúng ta không chỉ học tập công nghệ, kỹ năng mà mô hình kinh doanh, quản trị mới hiện đại đã được tiếp thu một cách nhanh chóng, thuận lợi. Ngoài ra cũng có những trường hợp phía Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa nhanh sản phẩm của mình sang thị trường Hàn Quốc, tôi khẳng định đã có, tuy không phải là đã nhiều.

   Trong thời gian tới, Cục có các giải pháp gì nhằm hỗ trợ sâu hơn cho các Star-Up Việt Nam cũng như Hàn Quốc?

Như đã chia sẻ, chương trình chúng tôi có mục tiêu rõ ràng, không chỉ là kết nối xong để đấy, mục tiêu phải có các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, tận dụng thế mạnh, tiềm lực của nhau để tăng tốc quá trình khởi nghiệp của cả hai bên. Do đó, sau “tiền kết nối” phải “kết nối”, sau “kết nối” phải liên doanh, liên kết bền vững. Trong thời gian tới ASA.MOST tiếp tục theo đuổi chương trình nhưng ở cấp độ cao hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn, tôi tin mức độ thành công cũng sẽ cao lên.

Xin cảm ơn Ông đã chia sẻ.

Nguồn: Phòng Hợp tác và phát tiển tiềm lực KH&CN - Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN