Sẽ có ưu tiên chính sách cho doanh nghiệp triển khai dự án blockchain

Trong năm 2022, Bộ Khoa học và công nghệ sẽ ưu tiên triển khai chính sách thí điểm cho một vài doanh nghiệp triển khai dự án blockchain khả thi, mang lại lợi ích cho xã hội rõ rệt.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Cường, phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và công nghệ, trong phiên thảo luận đặc biệt chủ đề "Tiềm năng blockchain Việt Nam và ứng dụng tài chính công nghệ trong doanh nghiệp thực tế" tại sự kiện ra mắt ấn phẩm chuyên đề về blockchain đầu tiên tại Việt Nam - Metalook, diễn ra ngày 16-3 tại TP.HCM.

Theo ông Cường, một trong những định hướng cụ thể mà Bộ Khoa học và công nghệ sẽ triển khai trong năm 2022 là hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó sẽ ưu tiên triển khai chính sách thí điểm cho một vài doanh nghiệp triển khai dự án blockchain khả thi, mang lại lợi ích cho xã hội rõ rệt.

"Đã đến lúc, chúng ta càng nhận thức rõ ràng hơn về tính ưu việt của nền kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo tiền đề, nền tảng quan trọng và cần thiết để phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Và doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm cầu nối đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", ông Cường chia sẻ.

Tại Việt Nam hiện nay, trước làn sóng mới về sự bùng nổ của công nghệ toàn cầu cùng sự nhạy bén nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới của doanh nghiệp, rất nhiều ứng dụng blockchain trong doanh nghiệp cũng đã được quan tâm triển khai trong thời gian qua. Các ngân hàng MB Bank, Vietcombank… cũng đã công bố một ứng dụng blockchain trong hoạt động giao dịch tài chính và một vài chuỗi cung ứng, lĩnh vực nông nghiệp cũng đang đưa blockchain vào thí điểm…

Tuy nhiên, ngoài một vài dự án crypto (tiền điện tử) và blockchain Việt Nam nổi bật như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này và gây tiếng vang lớn cho thị trường thế giới, thì phần lớn các ứng dụng blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật.

Tại sự kiện, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp trong nước phải có sự đầu tư nghiêm túc về bản chất của việc ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao thay vì chạy đua theo trào lưu. Những đầu tư không phù hợp với mô hình kinh doanh sẽ tốn kém, thiếu hiệu quả và không phát huy được sức mạnh công nghệ này.

Từ kinh nghiệm trong vai trò điều hành Hội Doanh nhân trẻ, chủ tịch Saigon Book, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng công nghệ blockchain chỉ là một công cụ hỗ trợ, về bản chất, một doanh nghiệp muốn thành công phải xác định tạo giá trị và phục vụ khách hàng như thế nào...

Cho rằng ứng dụng blockchain vẫn còn khá mới với doanh nghiệp trong nước, đại diện Metalook, ông Nguyễn Thanh Nam, chủ tịch HĐQT OneBlock Labs, cũng cho rằng doanh nghiệp cần trang bị kiến thức đủ sâu cả về tài chính, công nghệ lẫn kinh doanh để có thể vận hành hiệu quả mô hình doanh nghiệp.

Mặc dù ứng dụng blockchain đã được doanh nghiệp khắp thế giới chứng minh khả năng thúc đẩy kinh doanh hiệu quả và giảm chi phí trong hoạt động vận hành nhưng theo ông Vũ Anh Tuấn - tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, bài toán về phát triển nguồn nhân lực vẫn luôn là thách thức lớn cần phải vượt qua, ngoài rào cản pháp lý đang hạn chế tiềm năng phát triển blockchain Việt Nam.

Cũng tại sự kiện đã ra mắt ấn phẩm chuyên đề về blockchain đầu tiên tại Việt Nam - Metalook nhằm chia sẻ những kiến thức mang tính quy củ hơn về crypto, blockchain định kỳ hằng tháng, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về thị trường tiền tệ kỹ thuật số cũng như các xu hướng công nghệ mới đang diễn ra trên thế giới, đồng thời đưa ra những cảnh báo về những rủi ro, thách thức trong lĩnh vực này từ thực tế triển khai của các doanh nghiệp tiên phong hoặc từ góc nhìn đa chiều của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.

Nguồn: Tuổi trẻ