CỤC CÔNG TÁC PHÍA NAM TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO SMART LOGISTICS: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Hội thảo “Smart Logistics: Cơ hội và thách thức” do Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty Informa Markets Việt Nam đã được tổ chức thành công lần đầu tiên tại Trung tâm SECC, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13/6/2019. Hội thảo trên được tổ chức nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần thứ nhất về Cơ sở hạ tầng cảng biển và logistics tại Việt Nam (VIPILEC 2019).
Tham dự Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu đại diện của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, các sở KH&CN Bạc Liêu, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở KH&ĐT Cần Thơ, đại diện các trường đại học Bách Khoa, đại học Bình Dương, đại học Trà Vinh và các đại diện công ty Logistics trên đại bàn Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận.

Phát biểu tại Hội thảo,  Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam đã nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. Ông Cường cho biết, Việt Nam đang có lợi thế sở hữu nhiều hệ thống cảng biển, kho bãi để có thể đáp ứng tốt cho dịch vụ logistics, nhất là các cảng biển đã được đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải hơn 1000 tấn,… Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Thái Lan. Thị phần logistics tại Việt Nam do các công ty nước ngoài nắm giữ gần 13%. Vì vậy, cơ hội phát triển trong ngành logistics của Việt Nam còn rất nhiều. Ông Cường nhấn mạnh, ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. “Quyết định này đã thực sự tạo hành lang định hướng phát triển ngành logistics trong tình hình mới, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến có tiềm năng ứng dụng nhanh vào thực tiễn.

Hội thảo đã trao đổi và thảo luận về thực trạng, xu hướng phát triển ngành logistics cũng như quản lý chuỗi cung ứng. Các nghiên cứu, báo cáo đã được trình bày bao gồm: Quản lý chất lượng 4.0 để phát triển bền vững ngành logistics trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TS. Ngô Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Chất lượng TP.HCM; Tác động của công nghiệp 4.0 lên hệ thống logistics của Việt Nam , Mô hình vận hành và các bước phát triển mới trong tương lai của PGS. TS Nguyễn Duy Anh, Phó trưởng phòng Phòng Đào tạo, Khoa Cơ khí, đại học Bách Khoa TP.HCM; Ứng dụng công nghệ IoT vào quản lý chuỗi cung ứng đông lạnh không gián đoạn của Ông Đỗ Đức Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Advantech Việt Nam.

Hội thảo diễn ra rất sôi nổi với hàng chục câu hỏi đặt ra cho các diễn giả. Bế mạc hội thảo, vấn đề cốt lõi tồn đọng vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics của Việt Nam còn thiếu hụt trầm trọng. Phương pháp đào tạo ngành Logistics trong các cơ sở giáo dục Việt Nam còn chưa gắn với "ghế nóng" của doanh nghiệp. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đánh giá cao kết quả đạt được, sự tổ chức và lòng mến khách của Ban tổ chức, để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp cho các đại biểu.

Nguồn: Cục Công tác phía Nam