Lần đầu tiên công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh… là những địa phương có điểm chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 cao nhất. Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì công bố Bộ PII 2023 diễn ra ngày 12/03/2024.

 

Lãnh đạo Bộ KH&CN thực hiện nghi thức công bố Báo cáo PII 2023.

Báo cáo PII - một tài liệu hữu ích

Đại diện Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), Bộ KH&CN - cơ quan chuyên môn soạn thảo Báo cáo PII cho biết, ở cấp quốc gia, từ năm 2017, như nhiều quốc gia khác trên thế giới đã sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (Global Innovation Index - GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hằng năm như một công cụ quan trọng để xác định các điểm mạnh, điểm yếu của mỗi quốc gia, từ đó đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như để kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan.

Đối với Việt Nam, tại Nghị quyết hằng năm, Chính phủ phân công cụ thể đến từng bộ, ngành chủ trì theo dõi và cải thiện các chỉ số còn hạn chế, đồng thời giao Bộ KH&CN làm đầu mối điều phối, theo dõi chung GII. Dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, trong những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Năm 2023, Việt Nam có thứ hạng 46, tăng 02 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng GII của Việt Nam tăng 30 bậc (từ vị trí 76 lên 46).

Ở cấp địa phương, do chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê ở cấp địa phương không có. Phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới nên có một số nội dung không tương đồng với thực tiễn tại các địa phương của Việt Nam. Bên cạnh đó, do có sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế - xã hội (KT-XH), dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển..., nên các địa phương sẽ phải lựa chọn mô hình phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST khác nhau để phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng. Do đó, nhiều địa phương đã kiến nghị cần có bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương để có căn cứ khoa học và có số liệu minh chứng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST ở địa phương được tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi họp báo công bố Bộ PII 2023.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố Bộ PII 2023, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tin tưởng rằng, Báo cáo PII là một tài liệu hữu ích, cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng và thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương dựa trên KH,CN&ĐMST. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà đầu tư khi tham khảo về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương.

Khung chỉ số PII và phương pháp tính toán

Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của bộ chỉ số GII), trong đó có: i) 05 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST, bao gồm: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và nghiên cứu và phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường, (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp; ii) 02 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH, bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động. 

Dữ liệu phục vụ xây dựng bộ chỉ số PII 2023 được lấy từ 2 nguồn chính: 1) số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở trung ương (có 39/52 chỉ số); 2) từ các địa phương thu thập và cung cấp - kèm theo các tài liệu minh chứng (có 13/52 chỉ số). Trong giai đoạn thu thập dữ liệu, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều hội thảo, buổi làm việc với các bộ, cơ quan trung ương để trao đổi thống nhất thu thập dữ liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các địa phương, Bộ KH&CN đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và tổ chức các buổi trao đổi, tập huấn cho các địa phương để thu thập các dữ liệu cũng như cung cấp các tài liệu minh chứng liên quan.

Trong giai đoạn xử lý, phân tích dữ liệu, tính toán chỉ số và xây dựng báo cáo, Bộ KH&CN đã thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế và sau đó đã tiếp tục gửi tới chuyên gia quốc tế độc lập (do WIPO giới thiệu từ năm 2022) để chuyên gia đánh giá độc lập trên nhiều góc độ như phương pháp thiết kế bộ chỉ số, độ tin cậy của dữ liệu, kỹ thuật tính toán…

Kết quả xếp hạng PII 2023

Trong 10 địa phương dẫn đầu có 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội (62,86 điểm, xếp hạng 1), TP Hồ Chí Minh (55,85 điểm hạng 2), Hải Phòng (52,32 điểm, xếp hạng 3), Đà Nẵng (50,70 điểm, xếp hạng 4), Cần Thơ (49,66 điểm, xếp hạng 5); và 5 địa phương khác là Bắc Ninh (49,20 điểm, xếp hạng 6), Bà Rịa - Vũng Tàu (49,18 điểm, xếp hạng 7), Bình Dương (48,64 điểm, xếp hạng 8), Quảng Ninh (48,03 điểm, xếp hạng 9), Thái Nguyên (47,75 điểm, xếp hạng 10).

10 địa phương có điểm PII 2023 cao nhất.

Kết quả xếp hạng PII theo vùng cho thấy, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao nhất, đạt 45,17 điểm, tiếp đến là các địa phương vùng Đông Nam Bộ với 44,81 điểm. Các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long có điểm số trung bình sát nhau, lần lượt là 36,96 điểm và 36,36 điểm. 2 vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc có điểm số thấp gần như nhau, lần lượt là 32,72 điểm và 32,19 điểm. Đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Thái Nguyên dẫn đầu với 47,75 điểm; tiếp đến là Bắc Giang (46,51 điểm) và Phú Thọ (41,29 điểm). Đồng bằng sông Hồng có Hà Nội (62,86 điểm), Hải Phòng (52,32 điểm), Bắc Ninh (49,20 điểm). Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có Đà Nẵng (50,70 điểm), Thừa Thiên Huế (44,01 điểm), Ninh Thuận (39,69 điểm). Tây Nguyên có Lâm Đồng (43,58 điểm), Kon Tum (34,44 điểm). Đông Nam bộ có TP Hồ Chí Minh (55,85 điểm), Bà Rịa - Vũng Tàu (49,18 điểm). Đồng bằng sông Cửu Long có Cần Thơ (49,66 điểm), Long An (44,95 điểm), Đồng Tháp (38,32 điểm).

Báo cáo PII cho thấy, điểm số PII 2023 của các địa phương có tương quan với mức thu nhập bình quân đầu người. Các địa phương có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao đạt điểm trung bình cao nhất (49,10 điểm). Các địa phương có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp có khoảng cách về điểm số khá xa so với nhóm thu nhập cao (kém tới 21,17 điểm). Các địa phương dẫn đầu theo các nhóm thu nhập như sau: 1) Nhóm thu nhập cao (từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên): Hà Nội (62,86 điểm), TP Hồ Chí Minh (55,85 điểm), Hải Phòng (52,32 điểm); 2) Nhóm thu nhập khá (từ 4 triệu đến dưới 5 triệu đồng/người/tháng): Bà Rịa - Vũng Tàu (49,18 điểm), Quảng Ninh (48,03 điểm), Thái Nguyên (47,75 điểm); 3) Nhóm thu nhập trung bình (từ 3 triệu đến dưới 4 triệu đồng/người/tháng): Long An (44,95 điểm), Phú Thọ (41,29 điểm), Ninh Thuận (39,69 điểm); 4) Nhóm thu nhập thấp (từ 2 triệu đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng): Kon Tum (34,44 điểm), Lào Cai (32,76 điểm), Lạng Sơn (32,49 điểm).

Kết quả theo trụ cột cho thấy, trụ cột Thể chế, có 3 địa phương dẫn đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế; trụ cột Vốn con người và nghiên cứu và phát triển, có 3 địa phương dẫn đầu là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; trụ cột Cơ sở hạ tầng, có 3 địa phương dẫn đầu là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương; trụ cột Trình độ phát triển của thị trường, có 3 địa phương dẫn đầu là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu; trụ cột Trình độ phát triển của doanh nghiệp, có 3 địa phương dẫn đầu là Long An, Bắc Ninh, Bình Dương; trụ cột Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, có 3 địa phương dẫn đầu là Hà Nội, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh; trụ cột Tác động, có 3 địa phương dẫn đầu là Bắc Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai.

Kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả PII 2023 với thực trạng phát triển KT-XH của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ), có ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động KH,CN&ĐMST mạnh mẽ. Ngược lại, các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển KT-XH, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH (tập trung ở các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc).

Báo cáo PII 2023 khuyến nghị, các địa phương cần tập trung có các giải pháp cải thiện đối với các trụ cột đầu vào hiện có kết quả còn kém như Trình độ phát triển của doanh nghiệp, Trình độ phát triển của thị trường, Vốn con người và nghiên cứu và phát triển. Trong 2 trụ cột đầu ra, trụ cột Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ cũng cần được quan tâm cải thiện trong những năm tới.

Vũ Hưng- TCKHCN