Giải pháp KH&CN cho những vấn đề vượt quá khả năng giải quyết ở cấp tỉnh

Ngày 29/8 tại TP Tây Ninh, Văn phòng phía Nam - Văn phòng Bộ KH&CN đã phối hợp với Sở KH&CN Tây Ninh tổ chức Hội thảo “Giải pháp để các nhiệm vụ KH&CN góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Nam Bộ”.

TS Phạm Ngọc Minh, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển bền vững (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho biết, giai đoạn từ năm 2014 đến nay, các nhiệm vụ KH&CN do Bộ KH&CN chủ trì, hỗ trợ đã tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết, phát sinh trong thực tiễn sản xuất tại các địa phương khu vực phía Nam, vượt quá khả năng giải quyết ở cấp tỉnh. Hầu hết các nhiệm vụ này xuất phát từ nhu cầu của các địa phương, vì vậy kết quả nghiên cứu đã gắn sát với thực tiễn, có khả năng ứng dụng ngay trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
 
Một số ví dụ có thể kể đến như chế phẩm vi sinh phân giải độ mặn trên một số loại cây ăn quả chủ lực; hệ thống xử lý nước nhiễm mặn, ứng dụng IoT để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị xâm nhập mặn; đầu dò đo độ mặn bằng vật liệu nano và tích hợp thành hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn tự động; công nghệ xử lý nước tuần hoàn và bùn thải trong nuôi tôm siêu thâm canh; thiết bị thu gom, tiền xử lý và trục vớt lục bình trên các kênh, rạch để giải quyết vấn nạn cây lục bình đang làm tắc nghẽn hệ thống đường thủy;…
Bà Phạm Thị Phương Dung - Phó Trưởng phòng Hành chính - Tài vụ thuộc Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia - cho biết thêm, một số nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN quốc gia cũng mang lại hiệu quả cao như dự án Sản xuất dầu dừa tinh khiết VCO đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Nhờ ưu điểm của công nghệ, tinh dầu dừa đạt độ tinh khiết và không bị biến chất, nên giá bán gấp bốn lần dầu dừa đang sản xuất theo công nghệ hiện nay (VCO 125.00 đồng/lít so với 30.000 đồng/lít).
 
Hay như dự án chọn tạo sáu giống lúa thuần chịu mặn và hạn, với năng suất và chất lượng ngang các giống chất lượng cao, đặc biệt chịu được nhiễm mặn ở mức độ 6-8‰ (các giống lúa chịu mặn hiện chỉ đạt 4‰), thời gian chịu hạn không dưới 30 ngày. Kết quả góp phần giải quyết bài toán của gần 150 ngàn ha ngập mặn và 30 ngàn ha canh tác bị hạn tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, cho biết, “Ngoài các chương trình KH&CN trọng điểm, còn có một số các chương trình mà địa phương có thể khai thác, phối kết hợp triển khai được, như nhiệm vụ KH&CN đột xuất, Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, Tài sản trí tuệ,…”.
 
Kiều Anh