Smart City: Đô thị thông minh (bài 1)

Smart city: Đô thị thông minh (Bài 1)

Đến nay, thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về Đô thị thông minh. Nhưng về cơ bản, đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Nếu so sánh Đô thị thông minh như một cơ thể người thì Trí tuệ nhân tạo sẽ là bộ não, các Hệ thống cảm biến là các giác quan và Mạng viễn thông số là hệ dây thần kinh. Nói một cách ngắn gọn, Smart City là mô hình thành phố áp dụng công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng thành phố về mọi mặt.

Ví dụ đơn giản nhất, hệ thống dùng cảm biến để quản lý đèn đường, qua đó giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng. Một vài ví dụ điển hình khác thường gặp như:

- Sử dụng cảm biến để theo dõi tình hình rò rỉ nước sạch nhằm chống thất thoát nước cấp cho thành phố.

- Sử dụng thiết bị giám sát mức ô nhiễm trong không khí để kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo cho người dân, nhất là những người dễ nhiễm bệnh về đường hô hấp kịp thời đối phó.

- Dùng cảm biến để xác định số xe trong bãi, liên kết các bãi xe trong khu vực để điều phối bãi đỗ, giao thông cũng như hỗ trợ lái xe.

Các yếu tố chính của Smart City

Các yếu tố chính cần thiết tạo nên bộ khung đô thị thông minh tích hợp có ảnh hưởng hai chiều, tác động lẫn nhau, bao gồm:

+ Quản lý - tổ chức: chính quyền phải là chính quyền điện tử, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại.

+ Công nghệ: các dịch vụ và hạ tầng trọng yếu của Smart City được quản lý bởi công nghệ điện toán thông minh.

+ Cộng đồng dân cư: chủ thể chính của Smart City, là những công dân hiện đại, có khả năng tham gia giám sát, thậm chí phối hợp hỗ trợ quản lý thành phố.

+ Kinh tế: nền kinh tế thông minh, là động lực chính để xây dựng Smart City

+ Hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông: ảnh hưởng đến chất lượng phát triển Smart City

+ Môi trường tự nhiên: cốt lõi của Smart City là ứng dụng công nghệ để phát triển bền vững, quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, cũng như chống chọi tốt với các tác nhân gây nên biến đổi môi trường tự nhiên.

Trong số đó, thực tế đã chứng minh công nghệ là một siêu yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các yếu tố còn lại.

Smart City – mô hình ưu việt kết hợp khía cạnh kỹ thuật, công nghệ với xã hội, con người

Tiến trình đô thị hóa nhanh thường gây ra những xáo trộn xã hội, khiến chính quyền phải đối mặt với nhiều vấn đề như khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, xử lý chất thải, chăm sóc sức khỏe, đói nghèo, cơ sở hạ tầng... Do đó, để vượt qua các thách thức này, chính quyền phải tìm ra các giải pháp thông minh hơn. Smart City chính là giải pháp chiến lược, tận dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội này.

Smart City liên kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng xã hội giúp thành phố quản lý điều hành hiệu quả và thống nhất ở tất cả các lĩnh vực. Công nghệ được ứng dụng để tổ chức, thiết kế, qui hoạch, triển khai các giải pháp mới, giúp quản lý thành phố một cách mềm dẻo, bền vững, dưới sự giám sát của người dân.

Smart City không chỉ giúp thay đổi về mặt hạ tầng, mặt hình thức đô thị, mà còn có tiêu chí đánh giá sự phát triển toàn diện của xã hội và đặc biệt là con người về tri thức, sự hiểu biết, sáng tạo, văn minh.

Smart City là thành phố luôn phấn đấu để “thông minh hơn”, giúp tìm ra các giải pháp giải quyết tổng hòa các nhu cầu xã hội một cách hợp lý nhất, đồng thời không ngừng tìm kiếm giải pháp tối ưu hơn. Chính vì thế, rất nhiều thành phố trên thế giới hào hứng với mô hình này.

Những băn khoăn

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số cảnh báo về tác động và mặt trái của Smart City, chẳng hạn như:

Sự thiên vị khi áp dụng chiến lược này có thể dẫn tới bỏ qua các phương án phát triển đô thị đầy hứa hẹn khác.

Lượng dữ liệu thu thập cực lớn đặt ra mối lo ngại về quản lý, bảo mật thông tin. Chẳng hạn hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể bị lạm dụng dẫn tới vi phạm quyền riêng tư.

Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lớn và cần sự vận dụng linh hoạt đối với mỗi đô thị, nếu áp dụng không phù hợp sẽ gây hậu quả tiêu cực.

Thậm chí một số người cho rằng đánh giá mô hình Smart City còn mơ hồ, và các ‘tay chơi’ công nghệ lớn đang cố gắng khuếch trương mô hình này, tìm cách lôi kéo các nhà lãnh đạo thành phố cùng các nhà đầu tư nhập cuộc, nhằm mục đích kiếm thị trường béo bở cho họ.

Mặc dù vậy, nhìn chung Smart City vẫn được đánh giá cao bởi hầu hết giới chuyên gia, các nhà phân tích, lãnh đạo và cả người dân. Dòng chảy Smart City có vẻ như đang cuồn cuộn theo đà và vẫn ào ạt đổ về ngày càng nhiều trên các đô thị khắp thế giới.

(còn nữa)

Nguồn: doimoisangtao.vn