Smart city: Chiến lược ở tầm quốc gia (bài 3)

Ở tầm quốc gia, phần lớn các nước trên thế giới đã định hướng và có chiến lược xây dựng các Smart City.

Tất nhiên tùy theo năng lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ, và các đặc điểm tự nhiên, văn hóa, xã hội, mỗi quốc gia có những chiến lược riêng phù hợp. Nhưng tất cả đều trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin truyền thông và kĩ thuật cao để cải thiện công tác quản lý, nâng cao chất lượng đô thị, giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả, bền vững.

Israel có chiến lược “đô thị nông nghiệp”, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động nông nghiệp ở thành phố, giúp tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững và nâng cao đời sống của người dân.

Tại Brazil, chính phủ tập trung đầu tư công nghệ trong lĩnh vực du lịch và hạ tầng nhằm tạo thuận lợi cho du khách, qua đó nâng cao doanh thu trong ngành du lịch – ngành công nghiệp sạch cho các thành phố.

Tại Đức có những chương trình qui mô quốc gia về thành phố thông minh, với nhiều cuộc thi tìm sáng kiến và giải pháp cho Smart City nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó họ xây dựng mục tiêu cho các đô thị trọng điểm, chẳng hạn Berlin là trung tâm quốc tế về công nghệ mới, Freiheim là trung tâm năng lượng, Hamburg chuyên sâu trong hoạt động cảng thông minh, Mannheim là đô thị sử dụng năng lượng hiệu quả.                                                 

Tại Ấn Độ, chính phủ đặt tham vọng đạt con số 100 Smart City qua việc hiện đại hóa các đô thị qui mô cỡ trung và lớn ở thời điểm hiện tại.

Còn tại Trung Quốc, riêng quốc gia này đã có khoảng 300 dự án thành phố thông minh thí điểm đang được triển khai tại một số thành phố lớn.

Khá rõ ràng, Smart City là xu hướng phát triển đô thị trong những năm gần đây. Nhìn từ chiến lược của các quốc gia và thực tế hoạt động triển khai, có thể thấy rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục chiếm ưu thế trong qui hoạch, quản lý, phát triển các đô thị trong nhiều năm sau nữa.

(còn nữa)

Nguồn: doimoisangtao.vn