Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động KHCN&ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp

Thông qua phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động KH,CN&ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm qua.
Ngày 04/8/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đánh giá hoạt động KH&CN năm 2023 và xây dựng kế hoạch KH,CN&ĐMST năm 2024 của Bộ NN&PTNT dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Theo báo cáo tại Hội nghị, hoạt động KH,CN&ĐMST của Bộ NN&PTNT bao gồm nhiều lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, cơ giới hóa nông nghiệp phát triển nông thôn, nông dân… Theo đó, KH,CN&ĐMST ngày càng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, các hoạt động KH,CN&ĐMST phục vụ nông nghiệp ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt, đóng góp thiết thực vào thành công của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt, trong phối hợp thực hiện, hai Bộ đã thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu tư cho KH,CN&ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm qua. KH,CN&ĐMST đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi; thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp cải thiện năng suất lao động; thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp; từng bước hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp; góp phần quan trọng trong tăng trưởng ngành, thúc đẩy tái cơ cấu và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hai Bộ cần phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án KH&CN cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu quốc gia cho một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, thủy hải sản, sản phẩm chế biến từ gỗ… đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm của các thị trường khác nhau, nhất là các quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để điều khiển quá trình canh tác tiết kiệm, hiệu quả, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh; xây dựng và nâng cao năng lực các hệ thống ĐMST trong nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức, nông dân để thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong nông nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT trong thời gian tới là phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án KH&CN cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Chương trình công nghiệp sinh học nông nghiệp, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030…

Bên cạnh đó, hai Bộ phối hợp xây dựng, bổ sung một số sản phẩm chủ lực của ngành NN&PTNT vào Chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2030; tiếp tục triển khai một số cụm nhiệm vụ KH&CN hoặc dự án KH&CN có quy mô lớn, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế NN&NT, tăng giá trị xuất khẩu; tăng cường phối hợp trong công tác đo lường, chất lượng, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng chỉ dẫn địa lý và sở hữu trí tuệ ngành nông nghiệp.