TP.HCM triển khai tập huấn các chính sách đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo

Mục tiêu cụ thể đến năm 2028, TP.HCM sẽ hỗ trợ hơn 1.000 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; hơn 700 dự án ở giai đoạn ươm tạo và hơn 200 dự án ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận với các nhà đầu tư mạo hiểm.

Sáng ngày 01/3/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Triển khai các chính sách hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM”. Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 433/KH-UBND ngày 24/01/2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM năm 2024. Đồng thời, thúc đẩy việc phát triển bền vững và mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP.HCM trên cơ sở hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

1320242.jpg

Hội nghị tập huấn đã thu hút được gần 150 đại biểu là đại diện tới từ các Sở ngành, quận huyện, các trung tâm nghiên cứu, vườn ươm, các trường đại học và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cùng tham dự

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, năm 2015, TP.HCM có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã nghiên cứu, đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố… tóm lại thời điểm đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM đang ở mức độ sơ khai. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” gọi tắt là 844 cùng với hàng loạt các chương trình, chính sách của TP.HCM ở thời điểm đó thì đến nay TP.HCM đã có tên trên bản đồ thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, trong 2 năm 2022, 2023 vừa qua TP.HCM được xếp thứ hạng 111, 113 trên 1.000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.

“Đây là một trong những tín hiệu mà chúng ta có thể hy vọng rằng, với sự tham gia của chính quyền để thúc đẩy và cùng một số chính sách mang tính kích cầu cũng như các hoạt động truyền thông để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, sự hỗ trợ và tham gia mạnh mẽ của các trường viện, vườn ươm, doanh nghiệp… thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 98, chúng ta sẽ cố gắng vượt từ khoảng 10 đến 20% các chỉ tiêu đã đề ra”, TS. Nguyễn Việt Dũng nói.

1320241.jpg

TS. Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại Hội nghị tập huấn

Trình bày báo cáo về “Chương trình hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM”, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ.

“Mục tiêu cụ thể đến năm 2028, TP.HCM sẽ hỗ trợ hơn 1.000 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; hơn 700 dự án ở giai đoạn ươm tạo và hơn 200 dự án ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận với các nhà đầu tư mạo hiểm”, bà Phan Thị Quý Trúc nói.

Cụ thể, trong Điều 8: Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được Quốc Hội thông qua ngày 24/6/2023, có nêu:

Đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố gồm: Chính sách miễn thuế (03 nhóm); Thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; Hỗ trợ không hoàn lại chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo… hay đối với việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học bao gồm: Tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…

Để có thể triển khai được các nhóm chính sách này, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các Nghị quyết sau: (1) Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; (2) Quy định các lĩnh vực ưu tiên, đối tượng, điều kiện và quy trình thực hiện nhóm chính sách về miễn thuế trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (sau khi có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ); (3) Quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; (4) Quy định việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM.

1320243.jpg

Bà Phan Thị Quý Trúc thông tin về các nhóm chính sách hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, khung nhiệm vụ chung khi triển khai cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo/chương trình ươm tạo cũng như cách thức đăng ký thực hiện và hình thức triển khai

Cũng theo bà Phan Thị Quý Trúc, ngày 11/11/2023, trong kỳ họp thứ mười hai, Khóa X, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết nghị thông qua Nghị quyết số 20/NQ/HDND về Quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM.

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết này bao gồm: Cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan… Với các lĩnh vực ưu tiên như: Thương mại điện tử; Công nghệ tài chính; Logistic; Công nghệ giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khỏe; Nông nghiệp công nghệ cao; Phát triển bền vững; Chuyển đổi số; An ninh mạng.

Về tiêu chí tuyển chọn dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, gồm: Tính sáng tạo; Năng lực tổ chức thực hiện; Hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội; Thị trường tiềm năng; Ứng dụng công nghệ; Mô hình kinh doanh… Các tiêu chí này sẽ được xem xét áp dụng phù hợp trong từng giai đoạn của dự án.

Về mức kinh phí hỗ trợ tương ứng với các giai đoạn của dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo gồm 3 giai đoạn: Tiền ươm tạo 40 triệu đồng/dự án không quá 6 tháng, trong đó: Tiền công lao động: 10 triệu đồng và chi phí khác: 30 triệu đồng/dự án; Ươm tạo 80 triệu đồng/dự án không quá 12 tháng, trong đó: Tiền công lao động: 30 triệu đồng và chi phí khác: 50 triệu đồng/dự án; Tăng tốc 400 triệu đồng/dự án không quá 12 tháng, trong đó: Tiền công lao động: 150 triệu đồng và chi phí khác: 250 triệu đồng/dự án.

Về kế hoạch triển khai: Tổ chức các khóa tập huấn cho các đơn vị có liên quan về chính sách, phương thức đăng ký tham gia; Tổ chức triển khai hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo hàng năm; Tổ chức hỗ trợ ứng dụng và thử nghiệm các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; Truyền thông về các hoạt động triển khai chính sách hỗ trợ; Kết nối cho các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, tổ chức sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm và cả giai đoạn.

1320244.jpg

Khung nhiệm vụ chung khi triển khai cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo/chương trình ươm tạo

“Tất cả các hoạt động đăng ký, hỗ trợ các dự án tiền ươm tạo, ươm tạo tăng tốc đều phải được cập nhật thông tin và kết quả trên nền tảng trực tuyến thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại TP.HCM - Ho Chi Minh city Open innovation (H.OIP)”, bà Phan Thị Quý Trúc chia sẻ thêm.

1320245.jpg

Tại Hội nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, trường viện, vườn ươm, đại diện các địa phương cũng đã nêu lên nhiều ý kiến, đặt câu hỏi để có thể triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại đơn vị của mình