Một số sản phẩm tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với SHTT của Đồng Nai
Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT, tiến tới hình thành văn hóa SHTT trong xã hội đáp ứng điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Cụ thể, đến năm 2025: 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh, sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; Tăng cường năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT, thúc đẩy công tác bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số.
Đến năm 2030: số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 5-10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 5-10%. Hỗ trợ ít nhất 03 doanh nghiệp ứng dụng sáng chế/giải pháp hữu ích được bảo hộ để phát triển thương mại hóa sản phẩm. Tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh; sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Hỗ trợ tạo lập và đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và giống cây trồng mới trong và ngoài nước (mỗi năm ít nhất 30 đơn vị sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa, 1 giống cây trồng). Hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương ít nhất 20 nhãn hiệu chứng nhận/nhãn hiệu tập thể và hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài ít nhất 08 nhãn hiệu. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trung bình 8-10%/năm…
Một là tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT. Theo đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, thủ tục đăng ký bảo hộ, chính sách hỗ trợ phát triển và thành tựu của hoạt động SHTT. Đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin SHTT cho các tổ chức, cá nhân, ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra các tài sản trí tuệ được bảo hộ và có tính ứng dụng cao. Tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo về SHTT phù hợp với các nhóm đối tượng. Hỗ trợ đề xuất và triển khai các nhiệm vụ khoa học, hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp KH&CN, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng hợp tác với doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT.
Hai là thúc đẩy đăng ký tài sản trí tuệ trong và ngoài nước thông qua việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân; bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới của các tổ chức, cá nhân.
Ba là nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác tài sản trí tuệ, trong đó xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sả phẩm thuộc Chương trình OCOP. Khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với Chương trình OCOP. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích của Việt Nam được bảo hộ, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam. Phối hợp triển khai và hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học…
Giải pháp tiếp theo là thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi, chống xâm phạm quyền SHTT; Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT; Hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội.
Theo Chương trình, việc hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có địa chỉ hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãnh hiệu và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới được thực hiện theo Nghị uyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh. Hỗ trợ kinh phí xây dựng, tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ và các nội dung khác thuộc Chương trình này được thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ để liên hệ.
P.Hương
Tin mới
- Cần Thơ: Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thành lập doanh nghiệp KH&CN - 25/11/2024 03:58
- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng ký kết thỏa thuận hợp tác với VKIST - 25/10/2024 02:30
- Sóc Trăng: Nhận diện tài sản trí tuệ trong hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp - 21/10/2024 03:20