Hành trình đi tìm dấu chân xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Hội thảo “Net Zero - Cơ hội và thách thức cho các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững” nhằm chia sẻ tiến trình chính sách và các giải pháp, giảm phát thải khí cacbon.

Ngày 24 và 25/5/2024, Trung tâm phát triển dịch vụ và khai thác hạ tầng khoa học và công nghệ (CSID) và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn – Đo lường chất lượng khu vực 3 (QUATEST 3) cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Net Zero - Cơ hội và thách thức cho các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững” và hội thảo “Giới thiệu các công nghệ xanh và chuyển đổi xanh." Ra mắt Trung tâm CSID theo quyết định thành lập số 293/QĐ-BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 01/3/2024. Sự kiện này được tổ chức nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hội thảo giới thiệu các tiến trình chính sách và các giải pháp nhằm giảm phát thải khí cacbon; Biến đổi khí hậu và vai trò của khoa học và công nghệ; Chia sẻ kinh nghiệm từ nhà đầu tư tiên phong trong ngành năng lượng tái tạo; Hành trình đi tìm dấu chân xanh chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp phát triển bền vững …

Chia sẻ về lộ trình Net Zero dưới góc nhìn kinh tế phát triển bền vững, Ts.Lê Năng Hùng-Reteckvn ESG Carbon cho biết: “Mục tiêu của Việt Nam là đạt phát thải carbon ròng bằng 0 đến năm 2050. Với kịch bản đầy triển vọng là sự kết hợp các kế hoạch chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn với những công nghệ tiên tiến khả thi về mặt môi trường lẫn kinh tế như sử dụng động cơ điện cho ô tô, xe máy, cải thiện năng suất, chất lượng trong nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng cho công nghiệp, và nếu chuyển hướng sang sản xuất hiện đại tiên tiến thì phát thải còn giảm mạnh hơn nữa, có thể trung hòa carbon trước cả năm 2050.

Nếu thành công với lộ trình này thì mức phát thải của Việt Nam sẽ không tăng thêm từ khoảng 2030 –2035, đạt 0,6 gigatons. Từ 2036 đến 2050, mức phát thải dù đáp ứng tăng trưởng GDP cũng sẽ phải vượt gấp đôi mức của năm 2025. Thật không dễ dàng gì hoàn thành net zero 2050 trên chặng đường phát thải carbon ròng bằng 0.”

Phải định hướng ưu tiên giảm thải ở danh sách các nguồn khí nhà kính lớn nhất -gồm 6 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải, xử lý chất thải, song song với thay đổi sử dụng đất và đẩy mạnh trồng rừng lâm nghiệp. Chính phủ cũng cần tính đến việc phi tập trung hóa ngành điện, đa dạng hóa điện và phát triển nền công nghiệp xanh để nâng cao giá trị cho các sản phẩm” Ông Hùng cho biết thêm.

Hội thảo cũng đề cập đến Biến đổi khí hậu và vai trò của khoa học công nghệ; Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí carbon; Các dự án tiêu dung xanh, sống xanh, sống lành mạnh, sống tỉnh thức.

Trong sự kiện còn có triển lãm với quy mô hơn 50 gian hàng đến từ các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm “Xanh” ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến… nhằm truyền thông, đề xuất và kiến nghị các giải pháp thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.