Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, đến nay thành phố đã có 3.142 DN được hỗ trợ đào tạo về công cụ quản trị năng suất chất lượng và ĐMST; tư vấn nâng cao năng suất chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ cho 759 DN và hỗ trợ 81 dự án nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm; phối hợp thực hiện hỗ trợ đổi mới công nghệ cho 15 dự án thông qua chương trình kích cầu đầu tư…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) TP. Hồ Chí Minh - hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực. Các hoạt động của hệ sinh thái ngày càng sôi động, quy mô của các thành phần được mở rộng, đã kết nối trên 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, thiết lập nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia, 275 tổ chức KHCN...
Bên cạnh đó, thành phố đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và kết nối 24 cơ sở ươm tạo DN, thành lập 4 ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho 4 lĩnh vực trọng yếu của thành phố bao gồm công nghệ thông tin; cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; nhựa - cao su - hóa chất. Qua đó có gần 650 DN được ươm tạo và nhiều DN trong số đó gọi vốn thành công. Thông qua các trung tâm ươm tạo, thành phố đã hỗ trợ, phát triển nhiều DN khởi nghiệp đi vào hoạt động và thương mại hóa các sản phẩm từ hoạt động ươm tạo.
Nhiều hoạt động khởi nghiệp ĐMST cũng được tổ chức và thu hút sự tham gia của cộng đồng khởi nghiệp như cuộc thi “Giải pháp IoT cho thành phố thông minh” do Vườn ươm DN công nghệ cao tổ chức; cuộc thi “ĐMST trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” của Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao; cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp “Creative Idea Contest” của Khu công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh...
Đa dạng trong hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và kết nối toàn cầu
Từ sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, TP. Hồ Chí Minh đã tạo được sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng DN đến xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo công bố về chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2019, Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia và nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN, đứng đầu nhóm những nước có thu nhập trung bình thấp. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam từng đạt được từ trước tới nay.
Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của thành phố đang từng bước tham gia vào mạng lưới của khu vực và quốc tế. Trong đó, vườn ươm DN công nghệ cao (SHTP- IC) đã nhanh chóng tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. SHTP- IC đã hỗ trợ thành công cho hơn 40 dự án khởi nghiệp, 100% các dự án đều có sở hữu trí tuệ, 13 DN khởi nghiệp đã được chứng nhận DN khoa học công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh.
SHTP-IC đang tham mưu cho Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh xây dựng đề án hình thành mạng lưới kết nối ĐMST tại Mỹ, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ hiệu quả nhất cho các startup Việt khi mở rộng thị trường sang Mỹ, cũng như kết nối để các startup, các chuyên gia tại Mỹ hỗ trợ startup trong nước.
Các hoạt động khởi nghiệp ĐMST của thành phố trong thời gian qua đã tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng khởi nghiệp ĐMST đến toàn xã hội. Các chính sách hỗ trợ đã tác động đầy đủ vào các giai đoạn của quá trình khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, giúp xác định mô hình hỗ trợ khởi nghiệp có hiệu quả và vươn xa hơn.
Theo Đề án hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2025 dự kiến sẽ tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; hình thành hệ sinh thái ĐMST của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và truyền thông khởi nghiệp ĐMST... Các hoạt động sẽ gắn kết bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa DN, trường - viện, Nhà nước, tổ chức hỗ trợ các DN lớn có năng lực dẫn dắt thị trường và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.
Báo Công Thương Điện Tử