Prep là một trong số ít startup tin rằng việc kết hợp giữa công nghệ AI và chuyên môn sư phạm có thể giúp giải quyết hai bài toán lớn trong ngành giáo dục là thiếu tương tác khi học tiếng và bất bình đẳng trong việc tiếp cận các chương trình luyện thi ngôn ngữ chất lượng cao.
Đội ngũ của Prep
Bất kỳ ai học ngoại ngữ - đặc biệt là luyện thi để có chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế như IELTS, TOEIC - đều biết rằng cách giáo dục tốt nhất là học 1-1 với một thầy cô có kinh nghiệm. Nhưng điều này lại vô cùng đắt đỏ và khó mở rộng quy mô.
Thêm vào đó, hầu hết các giáo viên ngoại ngữ có kinh nghiệm đều sống ở thành phố lớn. Tuy một số gia đình ở Phú Thọ, Ninh Bình hay Hải Phòng đã chấp nhận bắt xe hàng trăm km để đưa con em mình đến tham gia các lớp học tuần hai buổi ở Hà Nội nhưng chỉ những gia đình có điều kiện mới làm được điều đó.
Giờ đây, các nhà giáo dục có thể dùng một công cụ mới – trí tuệ nhân tạo (AI) - để giải quyết những vấn đề đó. Trong số ít các công ty dẫn đầu xu hướng này có Prep, một startup do Tú Phạm (CEO) và Trần Hoài Nam (CTO) thành lập năm 2020.
Theo anh Tú Phạm, xây dựng được những công cụ này là một quá trình tích lũy dữ liệu và thử nghiệm lặp đi lặp lại đầy thách thức, tốn thời gian – đó là lý do tại sao chỉ có một vài người chơi như vậy trên thị trường.
Các phòng luyện nói, luyện viết ảo
Luyện thi là một kiểu giáo dục có định hướng kết quả rất cao: Trong thời gian ngắn nhất phải dồn sức lực để đạt được kết quả cao nhất, sau một thời gian dài đã học tập tích lũy với nhịp độ thông thường. Một số nhà giáo dục không thích kiểu dạy học thiên về kết quả như vậy, nhưng nhiều người khác thừa nhận rằng đó là một nhu cầu cực kì chính đáng và đang hiện diện trên thị trường.
Mỗi năm, có khoảng 1,2 triệu thí sinh luyện thi IELTS, đa số người tham gia có độ tuổi từ 16 trở lên ở những nước mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ. Điều này làm cho IELTS trở thành kì thi kiểm tra trình độ tiếng Anh lớn nhất thế giới. Quy mô thị trường luyện thi ngôn ngữ ước tính là 2,1 tỷ USD, trong đó 1,6 tỷ USD dành cho tiếng Anh và phần còn lại dành cho các ngôn ngữ khác.
Nhiều người thi các chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế với mục đích du học, làm việc tại nước ngoài, làm việc cho những công ty trong nước cần giao tiếp với người nước ngoài, hoặc để được tuyển thẳng vào một số trường đại học, cấp hai, cấp ba.
Các kỳ thi ngôn ngữ đều khác nhau về hình thức nhưng các bài học sẽ tương tự nhau về cấu trúc. Do đó, giáo viên trong các lớp luyện thi không có nhiều sự linh hoạt như giáo viên dạy ngôn ngữ tổng quát. Họ có một ngày định sẵn cho kỳ thi và học sinh của họ có một mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, học sinh trong các lớp học này thường có động lực, sự tận tâm và chăm chỉ hơn các học viên khác.
Vì vậy, các giáo viên luyện thi phải tạo ra các bài dạy tuân thủ nghiêm ngặt chương trình giảng dạy để củng cố kiến thức nền hoặc bổ sung kiến thức hổng cho người học, nhưng vẫn phải đảm bảo chúng không bị quá khô khan và nhàm chán, hoặc quá khó khiến học sinh nản lòng.