Chiều ngày 26/9/2018, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Hội Lương Thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu” tại Tp. Hồ Chí Minh.
Thống kê, tại Việt Nam ngày càng nhiều hộ gia đình nhỏ, nhưng có thu nhập tăng cao và tập trung sống ở thành thị. Vì vậy, các đơn vị sản xuất có thể tận dụng khai thác chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị dựa trên cơ sở tăng dần nhu cầu cho sự tiện lợi.
Hiện nay, các nhà bán lẻ vào thị trường Việt Nam có xu hướng phát triển và gia tăng hoạt động thu mua, cũng như có nhiều hoạt động đa dạng về hợp tác với đơn vị sản xuất, nông dân… đã khơi gợi những chuyển biến trong thị trường bán lẻ.
Bên cạnh đó, đa số các trường hợp giới thiệu sản phẩm mới thành công đều dựa trên nền tảng của sự nỗ lực trong xây dựng thương hiệu, kênh phân phối nhất quán hơn so với các trường hợp còn lại. Dự báo trong thời gian tới, các mặt hàng nông sản, đặc sản, thực phẩm, rau củ, quả… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày có nhiều cơ hội xây dựng thương hiệu và nâng sức cạnh tranh nếu đạt và duy trì ổn định chất lượng hàng hóa.
Đánh giá về tổng quan thị trường, bà Châu Ngọc Hạnh, Quản lý cao cấp Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, người tiêu dùng Việt có ý thức về sức khỏe và chủ động để đảm bảo sức khỏe. Trong đó, kết quả nghiên cứu của Nielsen cho thấy có 37% người tham gia khảo sát xem sức khỏe là mối quan tâm và xếp thứ hai trong các mối quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, có 76% người tham gia khảo sát muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn của họ; 89% sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; 88% đọc nhãn bao bì cẩn thận cho nội dung dinh dưỡng… Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất đang thể hiện sự nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh sản phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo bà Châu Ngọc Hạnh, sự tin tưởng của người tiêu dùng là vấn đề thiết yếu cần được giải quyết. Đơn cử, phân khúc cao cấp đang trở nên quan trọng trong các nhóm ngành hàng, nhưng các đơn vị sản xuất cần hiểu cao cấp hóa không đồng nghĩa với các cơ hội tăng giá thành sản phẩm hay hàng hóa.
Theo các chuyên gia, hiện nay tại nhiều địa phương vẫn còn thói quen tự cung – tự cấp, chủ yếu sản xuất cung ứng cho thị trường địa phương nên cả số lượng và chất lượng vẫn hạn chế. Đồng thời, người sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư tiêu chuẩn chất lượng để tìm đầu ra tốt hơn cho sản phẩm nông sản, đặc sản, thực phẩm, rau củ, quả.... Chính vì vậy, làm sao thay đổi hành vi của đơn vị sản xuất và người tiêu dùng, tránh tình trạng hàng hóa đạt chuẩn và được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sau đó các đơn vị sản xuất không nâng cao nhận thức phải duy trì tiêu chuẩn hoặc chất lượng sản phẩm không ổn định, dẫn đến đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.