Dù đều nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số nhưng đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang đối diện với nhiều thách thức khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số.
Đó là một nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Hành trình chuyển đổi số – Đột phá từ doanh nghiệp nhỏ đến thành công lớn” do Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung và Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) tổ chức ngày 23/8 tại TPHCM.
Chuyển đổi số (CĐS), sử dụng các ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây… khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, áp dụng các công nghệ để phân tích, sử dụng dữ liệu đó cho sản xuất, kinh doanh đã trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp, không chỉ giúp cải thiện hiệu suất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà còn tạo ra những cơ hội tiếp cận các khách hàng tiềm năng và mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, các SME đang đối diện với nhiều thách thức khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số, bà Đào Thị Hồng Lê, Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam, cho biết tại hội thảo. Từ kinh nghiệm phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp ứng dụng, bà Hồng Lê cho biết, các khó khăn chính với SME bao gồm chi phí đầu tư cao cho công nghệ mới, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, cũng như nguy cơ rò rỉ dữ liệu và thiếu hụt nhân lực kỹ thuật. Những thách thức này đang khiến quá trình CĐS của doanh nghiệp SME tại Việt Nam diễn ra chậm hơn so với tiềm năng, nên cần có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính phủ và các cơ quan liên quan để thúc đẩy sự thay đổi này.
Những khó khăn này đã từng được ghi nhận vào năm 2023, khi Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp, có tới 80% số doanh nghiệp đã dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, mặc dù một nửa trong số đó nhấn mạnh rằng số tiền mà họ dành ra “hầu như không đủ để đáp ứng đủ nhu cầu thực tế”. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá là “mang tính cục bộ và rời rạc” do thiếu mục tiêu, kế hoạch, cũng như chiến lược thực hiện thiếu rõ ràng ngay từ đầu, khiến việc chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi
Ông Phí Anh Tuấn trình bày tại Hội thảo. Ảnh: KA
Không chỉ có nguồn lực hạn chế, các SME cũng gặp khó khăn trong việc nhận diện công nghệ mới nào phù hợp với quy mô, đặc thù hoạt động của công ty mình. Theo ông Phí Anh Tuấn – Trưởng ban CĐS mảng doanh nghiệp, Trung tâm DXCenter, các doanh nghiệp thường rất băn khoăn khi lựa chọn công nghệ nào để tham gia vào quá trình CĐS của doanh nghiệp mình. Làm sao nhận diện được công nghệ nào phù hợp trong trong rất nhiều công nghệ hiện nay như big data; AI; IoT;... Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không đủ thông tin để lựa chọn đúng giải pháp nào cho doanh nghiệp mình để có thể CĐS hiệu quả, cũng như đảm bảo mở rộng trong tương lai. “Nếu lựa chọn nhà tư vấn không phù hợp, dẫn đến tổn thất cả thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ.
Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, doanh nghiệp SME cần lựa chọn công nghệ, hạng mục để chuyển đổi số trên cơ sở nguồn lực, nhu cầu của doanh nghiệp với chi phí vận hành thấp. Các giải pháp không chỉ giới hạn ở việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đa dạng phức tạp, tính tiện dụng và khả năng tùy biến cao, mà còn phải đảm bảo hiệu quả cũng như tính bảo mật cho doanh nghiệp.
Trong chừng mực nguồn lực hạn chế, nếu chưa thể CĐS toàn diện thì các SME có thể chuyển đổi số từng phần, ông Hoàng Văn Tam, Giám đốc Công ty DigiTech Solutions gợi ý. Chẳng hạn, ứng dụng AI vào từng quy trình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đơn giản như ChatbotAI để chăm sóc khách hàng, chấm công, quản trị nhân lực,… đến các quy trình phức tạp, như phân tích dữ liệu, để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, cũng đã có thể giúp tối ưu quy trình, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
Kiều Anh