Hướng dẫn thực hiện nghị định 114: Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công

Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 30/10 tới đây. Để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 11315/BTC-QLCS lưu ý các bộ, ngành, địa phương về một số quy định tại Nghị định này.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dụng của nghị định

Tại công văn, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến theo quy định nội dung của Nghị định số 114/2024/NĐ-CP tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, đảm bảo các đối tượng chịu sự tác động của Nghị định nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời nội dung Nghị định và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

Về thực hiện các trách nhiệm được quy định tại Nghị định số 114/2024/NĐ-CP, Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo rà soát, xây dựng, báo cáo bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy định thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công (TSC), gồm: mua sắm TSC, mua sắm vật tiêu hao; thuê tài sản; khai thác TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại đối với TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; thẩm quyền quyết định giá trị của tài sản gắn liền với đất khi bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước.

Trong thời gian bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh chưa ban hành quy định thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý, khai thác TSC theo quy định tại Nghị định này, thẩm quyền quyết định được thực hiện theo phân cấp đã được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh ban hành đúng theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có hoạt động khai thác tài sản công theo quy định tại khoản 7, khoản 37 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP trước ngày 30/10/2024 mà không có Đề án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thực hiện rà soát, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc khai thác tài sản bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 114/2024/NĐ-CP trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 30/10/2024. Hết thời hạn nêu trên mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thì phải chấm dứt việc khai thác TSC.

Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước để rà soát báo cáo bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành quy định các tài sản được sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ (nếu cần thiết).

Mua sắm tập trung được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định

Về vấn đề mua sắm tập trung, Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo rà soát, báo cáo bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao nhiệm vụ cho đơn vị thuộc bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh làm đơn vị mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, tỉnh để thực hiện: Mua sắm tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 69/2024/NĐ-CP ngày 1/10/2024; mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Chỉ đạo rà soát, báo cáo bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật và mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung (bao gồm cả danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và danh mục mua sắp tập trung của bộ, cơ quan trung ương, tỉnh) phù hợp với tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Chỉ đạo rà soát, báo cáo bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố ban hành quy định thời hạn tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung (hoàn thành trong năm 2024) để cơ quan, tổ chức, đơn vị đăng ký nhu cầu mua sắm tài sản, gửi cơ quan quản lý cấp trên (đầu mối đăng ký mua sắm tập trung), đầu mối đăng ký mua sắm tập trung tổng hợp, gửi nhu cầu mua sắm tài sản tới đơn vị mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh làm cơ sở tổ chức thực hiện việc mua sắm tập trung đối với tài sản thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia từ năm 2025.

Việc mua sắm tập trung được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc xác định điều kiện để áp dụng mua sắm tập trung thì đề nghị có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, giải đáp theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP đã bãi bỏ khoản 5 Điều 12 Nghị định số 152/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện việc phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng (không phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, Sở Tài chính trước khi cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt), bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC; cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự chịu trách nhiệm rà soát, bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành./.