Ngày 18/11 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Công tác phía Nam phối hợp cùng Văn phòng các chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo “Chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam – Thực trạng và Giải pháp”.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam; ông Nguyễn Phú Bình, Phó giám đốc Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia; ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Khu Công nghệ cao TP.HCM cùng tham dự có đại diện các Sở KH&CN phía Nam và hơn 100 đại biểu là Doanh nghiệp, Viện trường, tổ chức KH&CN,…tham gia.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: “Khu vực phía Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, điều này cho thấy việc lấy doanh nghiệp là trung tâm đồng nghĩa với việc lấy khu vực đầu tàu là trọng điểm. Do đó sắp tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nghiên cứu tái cấu trúc theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm với mục tiêu thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ; tập trung vào các doanh nghiệp mạnh, có khả năng thăm dò thị trường, đội ngũ nghiên cứu, nguồn vốn... Mục tiêu hỗ trợ các nghiên cứu tạo ra sản phẩm, thương mại hóa ra thị trường và phát triển ổn định.”
Ông Nguyễn Phú Bình – Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia trình bày tham luận tại Hội thảo
Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Phú Bình – Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia cho biết, hiện cả nước có khoảng 40 chương trình khoa học công nghệ quốc gia, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý 2 quỹ (Quỹ phát triển KH&CN quốc gia – Nafosted và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia – Natif) cùng 20 chương trình, các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia còn lại được giao cho một số Bộ, ngành quản lý. Chương trình cũng như Quỹ sẽ có 3 giai đoạn hỗ trợ doanh nghiệp gồm: nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ; hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm. Trong đó, các dự án tham gia chương trình khoa học công nghệ quốc gia được tài trợ 30 – 70% kinh phí, riêng Quỹ phát triển KH&CN quốc gia – Nafosted có thể tài trợ 100% kinh phí. Tuy nhiên, chỉ 25 - 30% dự án phía Nam tham gia chương trình cho thấy chưa tương xứng vị thế đầu tàu kinh tế cả nước.
Nguyên nhân của sự hạn chế các dự án phía Nam, theo ông Bình chủ yếu do thủ tục hành chính. "Các tổ chức, doanh nghiệp phía Nam mong muốn đưa các sản phẩm ra thị trường nhanh, tuy nhiên các thủ tục trình, duyệt có khi mất từ 7 - 8 tháng. Như vậy có thể làm lỡ việc triển khai các ý tưởng nhà khoa học, doanh nghiệp", ông Bình lý giải. Ông Bình chia sẻ, thời gian tới các chương trình được tái cấu trúc, giảm bớt các thủ tục hành chính, đưa việc triển khai các chương trình, dự án của các doanh nghiệp, nhà khoa học sớm đi vào cuộc sống.
Các doanh nghiệp tham gia phát biểu thảo luận cũng đề nghị Bộ KH&CN có các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, tạo điều kiện cho thương mại hóa sản phẩm sản phẩm gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra.
Phòng Hợp tác và phát triển tiểm lực KH&CN
Tin mới
Các tin khác
- Kỳ vọng bảo đảm các điều kiện tiện nghi, sức khỏe cho người dân Việt Nam - 03/11/2022 02:50
- Đồng Tháp: Triển khai thực hiện Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh - 21/10/2022 03:33
- Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long - 20/10/2022 04:12