Chuyển giao công nghệ được xem là giải pháp cứu cánh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặt biệt là các startup để đổi mới công nghệ, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên trong bối cảnh còn hạn chế nguồn lực, làm sao để startup Việt sớm làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao?
PV Tạp chí Khám phá đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ KH&CN, về vấn đề này.
PV: Vấn đề tài chính và nhân lực đang là cản trở lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các startup khi tiếp nhận hay chuyển giao công nghệ mới. Là người có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực này, theo ông, đâu là những khó khăn lớn nhất trong việc chuyển giao công nghệ cho Startup cũng như SME?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ là bài toán khó nói chung với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đặc biệt khó khăn với Startup. Hai rào cản chính đối với SME khi đặt vấn đề đầu tư vào đổi mới công nghệ đó là vốn (tài chính) và năng lực công nghệ nội sinh. Với SME, bài toán vốn dường như là khá khó khi các nguồn lực sẵn có đã cạn kiệt trong quá trình phát triển, tăng trưởng, còn đối với startup thì bài toán này thực sự là vô vọng. Khi không có tiền thì “trò chơi” công nghệ chỉ là giấc mơ xa xỉ. Về năng lực công nghệ nội sinh (con người, hiểu biết, kỹ năng, máy móc, thông tin) đối với startup công nghệ có vẻ sẵn sàng hơn đa phần SME, tuy nhiên tìm kiếm sự hỗ trợ của cả một nền tảng công nghệ công nghiệp tiên tiến thì gần như không có vì vậy bài toán chung vẫn là vô cùng khó.
Trên thực tế để startup công nghệ phát triển không chỉ dừng lại ở ý tưởng, mô hình kinh doanh, nhà đầu tư và hệ sinh thái cũng mang tính quyết định. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hệ sinh thái của chúng ta chưa đầy đủ, nhà đầu tư không dễ kiếm… Do vậy, để tạo nền tảng phát triển bền vững cho các startup công nghệ thì cần nhanh chóng tìm ra những giải pháp hữu hiệu giúp đẩy nhanh quá trình làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến cho startup cũng như SME tại Việt Nam.
PV: Các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan cũng đã gặp những vấn đề tương tự như chúng ta hiện nay. Chúng ta có thể học hỏi gì từ họ, thưa ông?
Đối với các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan, trong quá khứ họ cũng có nhiều điểm khó khăn tương đồng. Họ đã phải thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong khu vực startup công nghệ từ các nước công nghiệp phát triển, ở đây chủ yếu từ Mỹ. Khi tham khảo quá trình phát triển ở giai đoạn đầu tại các nền kinh tế năng động nêu trên đều thấy nổi lên một mô hình kinh doanh liên kết, liên doanh từ các khu vực công nghệ giàu tiềm năng đến thị trường tiềm năng.
Có thể hiểu thị trường kéo công nghệ về, ở chiều ngược lại công nghệ đẩy thị trường phát triển. Thị trường kéo sẽ thuộc về phía các startup công nghệ nội, công nghệ đẩy sẽ do các startup công nghệ (đối tác nước ngoài) từ khu vực công nghệ công nghiệp phát triển đảm trách. Một chuỗi các hoạt động liên kết dựa trên các quan hệ kinh tế mang tính tương hỗ giữa 2 phía sẽ giúp cả hai bên cùng phát triển.
Kết nối Starup, lời giải cho bài toán chuyển giao công nghệ?
PV: Mới đây Cục công tác phía Nam thuộc Bộ KH&CN và Trung tâm Khởi nghiệp Seoul (Seoul Startup Hub) của Hàn Quốc đã khởi động chiến dịch ‘se duyên’ cho startup công nghệ Việt Nam và Hàn Quốc. Vì sao chúng ta lại chọn Hàn Quốc làm đối tác để hợp tác, thưa ông?
Sở dĩ chúng tôi chọn Hàn Quốc để khởi tạo chương trình, chiến dịch kết nối doanh nghiệp startup công nghệ là bởi vì Hàn Quốc và Việt Nam có tính tương đồng về sản phẩm dịch vụ và mô hình kinh doanh. Hàn Quốc cũng đang là một ‘thánh địa’ công nghệ mới của thế giới. Việc hợp tác này hướng tới sự phát triển bền vững cho cả hai bên.
Theo đó, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ nhanh chóng tiếp cận thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam, ngược lại doanh nghiệp Việt tăng tốc tiếp cận nguồn công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ với chi phí vốn thấp từ đối tác Hàn Quốc.
PV: Quy trình này diễn ra như thế nào và mục đích cuối cùng của chiến dịch là gì, thưa ông?
Trong chương trình chúng tôi thiết kế gồm 6 bước. Trước tiên, chúng tôi và đại diện phía Hàn Quốc là Trung tâm Khởi nghiệp Seoul (Seoul Startup Hub) cùng tìm kiếm các startup phù hợp, tổ chức các cuộc trao đổi giới thiệu trực tuyến, chia sẻ thông tin qua lại với nhau. Sau các cuộc thảo luận, mọi chuyện tiến triển tốt thì phía Hàn Quốc sẽ sang Việt Nam để gặp mặt trao đổi trực tiếp với đối tác Việt Nam, tiến hành kí kết ghi nhớ hợp tác.
Sau bước này, chúng tôi sẽ liên tiếp tổ chức các buổi làm việc hai bên qua cầu truyền hình trực tuyến để thảo luận kĩ càng hơn dưới sự quan sát, thúc đẩy của đầu mối là Cục công tác phía Nam và Seoul Startup Hub
Khi các doanh nghiệp cảm thấy đã thực sự hiểu nhau và có thể tiến hành thành lập liên doanh thì hai “bà đỡ” sẽ lại tiếp tục có những chương trình như hỗ trợ về tư pháp để thành lập liên doanh một cách thuận lợi nhất, tiếp cận thị trường nhanh nhất...
Hai bước cuối cùng là kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm
Hiện chúng tôi sắp hoàn tất bước 2. Mới đây, 3 doanh nghiệp Hàn Quốc đã bay sang Việt Nam và có các cuộc gặp mặt trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam. Sau mấy ngày làm việc tích cực, rất mừng là có 2 cặp đôi đã đi đến thống nhất hợp tác cụ thể. Còn một cặp đôi còn lại cũng không hẳn là thất bại, nhưng quá trình thảo luận là chưa đủ để 2 bên thực sự hiểu nhau và họ sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau trong thời gian tới để tìm ra phương thức hợp tác phù hợp nhất.
Mục đích trên giấy tờ của chiến dịch là các cặp đôi startup ‘kết hôn’ và đẻ ra những doanh nghiệp liên doanh. Tuy nhiên, phải khẳng định chắc chắn là khởi động chương trình này, mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
PV: Ông có thể giải thích rõ hơn được không?
Như đã chia sẻ, với startup Việt thì cơ hội chuyển giao công nghệ vô cùng khó khăn. Thiếu nguồn lực, thiếu hụt vốn, một doanh nghiệp đã phát triển rồi mà nói chuyện chuyển giao công nghệ còn khó huống gì là các startup non trẻ.
Vì thế, thông qua liên doanh này thì công ty Hàn Quốc có cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam nhanh chóng, nhưng ngược lại thì các công nghệ cao, công nghệ mới từ phía Hàn Quốc có thể chuyển vào cho doanh nghiệp Việt Nam một cách dễ dàng hơn lối bình thường.
Song hành với việc chuyển giao công nghệ này, khi đã thành lập liên doanh thì các startup Hàn Quốc sẽ tiếp cận nguồn vốn đầu tư (tại Hàn Quốc) dễ dàng hơn trong khi đó các startup Việt Nam thì lại luôn gặp khó trong việc tìm nhà đầu tư. Các định chế tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc không thể đưa tiền trực tiếp cho startup Việt được. Nhưng họ có thể đưa tiền cho startup của họ để đầu tư vào công ty liên doanh với Việt Nam này. Thông qua kênh này, startup nội cũng như liên doanh mới có một nguồn vốn gián tiếp để bù đắp cho chuyển giao công nghệ.
Xét cho cùng cũng chẳng ai cho không ai cái gì cả. Hàn Quốc khi chuyển giao công nghệ cho Việt Nam thì họ cũng được hỗ trợ về tài chính từ phía họ. Đã có những nguồn quỹ đã cam kết, họ đang chờ những liên doanh thành công với số vốn tối thiểu là 5 triệu USD.
Đích của chúng tôi là chuyển giao công nghệ và chúng tôi không bỏ rơi cái đích đó. Kể cả khi liên doanh ra đời rồi, chúng tôi vẫn tiếp tục chạy chương trình để làm sao bài toán chuyển giao công nghệ khả thi. Nói chung, đây là câu chuyện dài hơi nhưng nó đảm bảo cho mục tiêu cuối cùng của chương trình này là startup Việt nhanh chóng tiếp cận được công nghệ mới, công nghệ cao.
PV: Nhưng thưa ông, làm thế nào để đảm bảo rằng, việc chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao này diễn ra thực sự chứ không phải biến các startup của chúng ta thành nơi gia công hàng hóa cho các doanh nghiệp công nghệ của Hàn Quốc như lâu nay?
Đối với môi trường khởi nghiệp, đặc biệt với các startup công nghệ thì chuyện này không đáng lo ngại, tuy nhiên chúng tôi luôn quan sát và có những chính sách phù hợp để hạn chế việc gia công đơn thuần. Đầu tiên, chúng tôi phải lựa chọn một số lĩnh vực đang phát triển nhanh, ở các lĩnh vực này trình độ của hai bên không thực sự cách biệt lớn, vì thế chính họ nhận diện rõ ràng cuộc chơi chung với mục tiêu cùng thắng (win-win). Khi trao đổi với các đối tác Hàn Quốc, sau quá trình khảo sát, chúng tôi có thể đưa ra kết luận ban đầu là một số lĩnh vực hai bên đã song hành như Fintech, dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử…
Đặc thù của lĩnh vực gia công thì các doanh nghiệp không thích liên doanh, họ chỉ chọn làm đối tác, đây cũng là yếu tố tự thân chống lại nguy cơ gia công đơn thuần. Nhưng chũng tôi cũng phải lưu ý vấn đề này trong quá trình triển khai chương trình.
PV: Như ông nói, thông qua việc kết hợp này, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình thâm nhập thị trường Việt Nam. Nhưng ở chiều ngược lại, startup Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường ở Hàn Quốc hay không?
Hiện nay bên Seoul Startup Hub đã bố trí một không gian để đón chào những startup Việt Nam mong muốn tiến sang thị trường Hàn Quốc hay tham gia các khóa ươm tạo của nước bạn. Chúng tôi thực sự rất mong muốn có luồng chạy ngược lại. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của tôi thì đấy là con đường không hề dễ dàng. Các bạn Hàn Quốc đã đánh giá rằng, thực ra hiện nay một vài lĩnh vực như CNTT thì startup Việt Nam với Hàn Quốc có thể đạt trình độ ngang nhau về mặt ý tưởng. Nhưng việc thực thi ý tưởng đó để vận hành trở thành một doanh nghiệp có lời có lãi thì họ nghĩ rằng Hàn Quốc đã đi trước 20 năm.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông vì cuộc trao đổi thú vị vừa rồi.
N.Hương - khampha.vn