Hội nghị do Bộ KH&CN phối hợp Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG-HCM tổ chức tại ĐHQG-HCM vào sáng 24/12.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN mong rằng hội nghị bàn về vai trò, đóng góp của KHCN&ĐMST với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương để từ đó có những giải pháp, khuyến nghị hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách, pháp luật về KHCN&ĐMST trong những năm tới.
Theo đó, cơ chế chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đang được Bộ hoàn thiện theo hướng chú trọng "xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động khoa học công nghệ". Ông mong các bộ ngành, đơn vị liên quan nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ những bất cập trong hệ thống luật pháp và chính sách để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách về kinh tế, đầu tư, thương mại. Bộ Khoa học Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, trong đó chú trọng lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành. Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh thời gian tới nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế. "Nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ nhất là từ doanh nghiệp cần được tăng cường đầu tư hơn nữa", Bộ trưởng cho biết.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, năm 2022, ĐHQG-HCM đã nỗ lực công bố quốc tế hơn 1.900 bài báo. Nhiều nhà khoa học ĐHQG-HCM có hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nổi bật, đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đồng thời ĐHQG-HCM cũng thực hiện nhiều dự án quốc tế. Tuy nhiên, với sứ mạng của mình và khát vọng vào top đầu châu Á và thế giới, nếu so với ĐHQG Singapore, khoảng cách này còn quá xa. Ông nêu thực tế, hiện các thủ tục đã có nhiều đổi mới nhưng các nhà khoa học vẫn phải làm các công việc như một kế toán cho chính công trình của mình. "Việc thanh quyết toán, giải ngân đề tài mất rất nhiều thời gian thực sự là thách thức cho các giảng viên", ông Quân nói. Ông đề xuất cơ quan chức năng nên xây dựng cơ chế đồng giám sát các kết quả, đề tài nhà khoa học, để họ tự đánh giá chéo nghiên cứu của nhau giúp giảm bớt thủ tục, tăng tính minh bạch cho các nghiên cứu. "Quy định luật viên chức khiến nhà khoa học không được mở doanh nghiệp, thành lập các spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn),...
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe 7 báo cáo, tham luận: KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng lãnh thổ của TS Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN; Nâng cao vai trò và đóng góp của KHCN&ĐMST đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng của TS Nguyễn Đình Chúc - Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh các vùng chiến lược của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo định hướng của Bộ Chính trị của PGS.TS Phan Tiến Dũng - Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; ĐHQG-HCM xây dựng Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ) của PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban KH&CN, ĐHQG-HCM; KHCN&ĐMST tại ĐHQG Hà Nội hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Ban KH&CN, ĐHQG Hà Nội; Giới thiệu Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương của PGS.TS Hoàng Minh - Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN; và Becamex IDC: Từ Công nghiệp - Đô Thị - Dịch vụ đến KHCN&ĐMST của TS Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công nghệ Thông tin Becamex IDC.
Kết luận hội nghị, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến đóng góp để phát triển KHCN&ĐMST của đất nước trong thời gian tới. Ông cho biết, Chính phủ giao Bộ Khoa học Công nghệ làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khuyến khích họ thành lập các trung tâm R&D để nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính họ và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước. "Khi các trung tâm này hình thành, tạo cơ hội phối hợp với các trường viện với sự hỗ trợ của nhà nước nhằm thúc đẩy cho mối quan hệ hợp tác này"
Hội nghị thường niên lần 2 phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực do Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức. Hội nghị nhằm định hướng nghiên cứu, đào tạo gắn với chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030. Đây là nơi trao đổi các vấn đề tồn tại, vướng mắc về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công nghệ, trao đổi đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox) để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các viện, trường và địa phương... |