Đánh giá mức độ trưởng thành số cho doanh nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) đang được coi là một chiến lược phát triển mà nhiều DN, tổ chức Việt Nam đang thực hiện và ứng dụng rộng trong vận hành. Tuy nhiên, có cách thức nào lượng hóa được thực trạng CĐS trong DN, để từ đó xây dựng một chiến lược hành động cụ thể, hiệu quả?


Khó khăn từ chuyện tài chính, công nghệ đến nguồn lực khi CĐS

Ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng giám đốc FPT Digital, cho biết: “Tôi nhận thấy rào cản lớn nhất mà các DN gặp phải trong hành trình CĐS là mức chi phí đầu tư, ứng dụng CNTT. Theo kinh nghiệm của chúng tôi sau khi đã thực hiện CĐS hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy mức đầu tư vào CNTT của DN Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với DN thế giới. Cụ thể, trên thế giới, mức chi phí trung bình đầu tư cho CNTT là khoảng 2% doanh thu, trong khi tại Việt Nam, mức đầu tư này đang thấp hơn khá nhiều so với mức chuẩn của thế giới”.

Một rào cản nữa là thói quen, hành vi kinh doanh của DN, thường đã hình thành từ lâu và rất khó thay đổi. Ngoài ra, nguồn lực nội bộ của DN chưa thích ứng với CĐS. Các nguồn lực nội bộ của DN thường rất giỏi thực hiện các công việc kinh doanh, vận hành, quản trị nhưng lại không có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ số.

Ngoài những rào cản này, DN còn gặp khó khăn về mặt công nghệ, đặc biệt, DN khi CĐS sẽ có những hạn chế như thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số (CNS), thiếu thông tin về các CNS, vì CNS đang biến đổi hàng ngày. Không hiểu và bắt kịp những thông tin về các xu hướng CNS đang gây cản trở DN trong việc CĐS. Với các DN khi đã thực hiện CĐS một phần, đã phát triển các ứng dụng, thì rào cản mới là làm sao tích hợp các nền tảng, để các phần mềm thông suốt, có thể “nói chuyện” với nhau. 

Bên cạnh rào cản về nguồn lực, tài chính, công nghệ, còn một rào cản lớn liên quan đến con người. Đó là thiếu sự cam kết đồng hành của lãnh đạo và sự tham gia của các cán bộ nhân viên. Cuối cùng là rào cản về dữ liệu. Hiện DN sống trong thời kỳ 4.0, có rất nhiều dữ liệu, từ dữ liệu kinh doanh, sản xuất đến vận hành, những dữ liệu này rất quan trọng với sự sống còn của DN. 

Các DN sẽ có nỗi lo sợ rò rỉ thông tin, khiến ưu thế của mình có thể bị mất vào tay đối thủ. Vì vậy nhiều DN đang triển khai các phần mềm khá rời rạc, gây hậu quả là DN ko có những hệ thống đồng bộ, chương trình CĐS không được tối ưu trong xây dựng lộ trình và phát triển.

CĐS đang được coi là một chiến lược phát triển mà nhiều DN, tổ chức Việt Nam đang thực hiện và ứng dụng rộng trong vận hành. Tuy nhiên, có cách thức nào lượng hóa được thực trạng CĐS trong DN, để từ đó xây dựng một chiến lược hành động cụ thể, hiệu quả? 

Bởi vì, định vị mức độ trưởng thành số hiện tại sẽ giúp DN điều hướng hành trình CĐS hiệu quả. Khi DN đã biết mức độ trưởng thành số của mình đang ở đâu, dựa trên chiến lược kinh doanh theo từng giai đoạn, DN sẽ xây dựng chiến lược CĐS và lộ trình CĐS phù hợp với hiện trạng của mình.

Làm thế nào để đo mức độ trưởng thành số cho DN?

Bà Trần Cẩm Linh, Phó ban Viễn thông CNTT, Tổng Công ty điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) cho rằng một bộ đánh giá mức độ trưởng thành số của DN là để xác định rõ DN đang ở đâu, và sẽ triển khai tiếp những công việc gì trong lộ trình CĐS của mình. Bà Linh cho rằng điều này “cần có sự tham gia, hỗ trợ của những chuyên gia về CĐS”.

Bà Linh cho biết tại EVN Hà Nội, trước hết công ty dựa trên cơ sở bộ chỉ tiêu đánh giá trưởng thành số của Bộ TT&TT. Sau đó, EVN Hà Nội kết hợp với các chuyên gia CĐS của FPT, đồng bộ với các mục tiêu chiến lược sản xuất kinh doanh của công ty để xây dựng một bộ chỉ số đánh giá trưởng thành số riêng của EVN, phù hợp với EVN, đảm bảo có những bước triển khai cũng như thực hiện các dự án CĐS một cách vững vàng nhất trong lộ trình CĐS của riêng EVN Hà Nội. 

“Nếu nói về thang đo, theo ý kiến cá nhân của tôi, tôi nghĩ là có rất nhiều "thang đo" của nhiều công ty tư vấn, và cũng là tư duy thực hiện của nhiều đơn vị. Tuy nhiên, để có thang đo riêng cho một DN đặc thù nhất định thì theo tôi là chưa có”, bà Linh chia sẻ và cho rằng việc xây dựng thang đo cho DN đảm bảo CĐS thành công, thì trong quá trình xây dựng phải rất linh hoạt, phải đồng bộ với mục tiêu chiến lược sản xuất kinh doanh của chính bản thân các DN đó. 

Các DN xuất phát từ nhiều ngành nghề rất khác nhau nhưng không phải là người có kinh nghiệm làm CĐS cho DN. Do đó, khi xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá trưởng thành số, Phó ban Viễn thông CNTT của EVN Hà Nội cho rằng “nên kết hợp với các chuyên gia thực hiện CĐS và các đơn vị tư vấn CĐS, đó là những đơn vị có kinh nghiệm tham gia đánh giá cũng như xây dựng lộ trình CĐS cho nhiều DN khác nhau. 

Họ sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện và xây dựng được bộ chỉ số hay nói cách khác là một thang đo riêng của đơn vị mình, đảm bảo đơn vị khi triển khai công tác CĐS sẽ có lộ trình và có những bước đi hợp lý cũng như rút ngắn được thời gian triển khai công tác CĐS, đạt được những thành công nhất định khi thực hiện công tác CĐS”.

Đánh giá mức độ trưởng thành số cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

EVN Hà Nội đã thực hiện chương trình CĐS được nhiều năm nay và đạt nhiều kết quả tích cực

Trong một hội thảo về lãnh đạo trong kỷ nguyên số, ThS. Ngô Quý Nhâm, chuyên gia đào tạo và tư vấn về chiến lược và quản trị nhân sự cho các DN và các tập đoàn lớn, cũng cho rằng không có câu trả lời chung cho mọi DN. Tuy vậy, các DN cần có các bậc thang để đo lường xem mình đang vướng vào khó khăn, thách thức nào, từ đó tìm cách vượt qua. 

Đó là các bậc thang câu hỏi như DN có đủ nguồn lực tài chính để CĐS không, có con người, nhân lực để thực thi cuộc cách mạng CĐS không. Và khi đã vượt qua hai bậc thang đó, DN sẽ đối mặt với câu hỏi quản lý quá trình thay đổi như thế nào để tạo ra sự đồng thuận của cả đội ngũ và kiên trì theo đuổi CĐS.

Báo cáo Thường niên về CĐS DN năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ các hoạt động CĐS có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của DN, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong DN cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho DN. CĐS trong DN không chỉ đơn giản là đưa công nghệ số vào, mà cần kết hợp với chuẩn hóa quy trình kinh doanh, quy trình quản trị DN.

Tại Việt Nam, với chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030, Bộ TT&TT cũng ban hành bộ khung đánh giá mức độ CĐS cho DN. Hiện tại, các DN có nhiều lựa chọn về các bộ đánh giá CĐS khác nhau, tùy thuộc vào quy mô DN, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của mình. 

Ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng giám đốc FPT Digital cho biết FPT Digital với vai trò là một công ty tư vấn về CĐS đã xây dựng bộ đánh giá về mức độ trưởng thành số dựa trên tham chiếu từ những đơn vị trong và ngoài nước, hiệu chỉnh phù hợp với những DN, những tình huống riêng, văn hóa riêng của DN Việt Nam. 

Chia sẻ về bộ đánh giá sự trưởng thành số của FPT Digital, ông Cường cho biết bộ đánh giá tập trung vào 6 khía cạnh lớn của việc đo đạc mức độ trưởng thành số, bao gồm đo đạc mức độ trưởng thành số về khách hàng, vận hành, chiến lược, công nghệ, văn hóa số và dữ liệu. 

Với các rào cản mà DN Việt Nam đang gặp phải hiện nay, việc đánh giá mức độ trưởng thành số sẽ giúp DN đo lường và định vị được những ưu tiên và mục tiêu chiến lược hành động phù hợp với DN. Không chỉ vậy, phương pháp đánh giá mức độ trưởng thành số còn giúp DN tốt hơn trong quá trình điều chỉnh mục tiêu, hoặc điều chỉnh cách làm trong quá trình thực hiện, xây dựng những chương trình CĐS để đạt được đúng với định hướng, mục tiêu hoặc đúng với những sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, sản xuất và quản trị vận hành.

Theo: ictvietnam