Bến Tre triển khai chính sách phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao

Tính đến nay, các cấp ngành của tỉnh đã phối hợp với địa phương thành lập 91/100 Ban Quản lý vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh có hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Quy định về vùng nuôi thủy sản

Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre  vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre áp dụng đối với các thành viên Ban Quản lý vùng nuôi thuỷ sản (sau đây gọi chung là Ban Quản lý), các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình nuôi thuỷ sản (sau đây gọi chung là người nuôi thủy sản) trong vùng nuôi thủy sản.

Vùng nuôi thủy sản là khu vực nuôi có từ 01 (một) hoặc nhiều cơ sở nuôi, có vị trí địa lý tương đồng, cùng sử dụng nguồn nước cấp, hệ thống thoát nước. Nuôi thủy sản là hoạt động nuôi các đối tượng như: nuôi tôm biển, tôm càng xanh, cá tra và nuôi các đối tượng ngọt, lợ, mặn khác. Ban Quản lý vùng nuôi thủy sản là tổ chức tự nguyện quản lý cộng đồng do những cá nhân và tổ chức nuôi thuỷ sản trong vùng bầu ra và được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận.

Nguyên tắc hoạt động của vùng nuôi thuỷ sản là tự nguyện: mọi người nuôi thủy sản trong cùng một khu vực và tán thành Điều lệ tổ chức và hoạt động của vùng nuôi thủy sản do Ban Quản lý vùng nuôi thủy sản ban hành (sau đây gọi chung là Điều lệ vùng nuôi) đều có quyền gia nhập vùng nuôi tại địa bàn; Dân chủ, bình đẳng và công khai; Hợp tác và phát triển cộng đồng.

Tổ chức bộ máy Ban Quản lý, lãnh đạo Ban Quản lý bao gồm có Trưởng ban và không quá 02 Phó Trưởng ban và các Ủy viên là những người nuôi thủy sản trong vùng do hội nghị vùng nuôi bầu ra; Mỗi Ban Quản lý, quản lý không quá 50 cơ sở nuôi; Nhiệm kỳ của Ban Quản lý là 02 năm.

Trưởng ban và các Phó Trưởng ban được hỗ trợ kinh phí hoạt động từ ngân sách của tỉnh, mức hỗ trợ hàng năm theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chính sách hỗ trợ vùng nuôi thủy sản

Chính hỗ trợ vùng nuôi thủy sản được quy định tại Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động Ban quản lý vùng nuôi thủy sản (hoạt động trên lĩnh vực nuôi tôm nước lợ) trên địa bàn tỉnh Bến Tre; có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Theo đó nội dung và mức hỗ trợ, hỗ trợ chi phí thông tin truyền thông để thực hiện nhiệm vụ kết nối, thống nhất quản lý vùng nuôi: Trưởng Ban quản lý vùng nuôi thủy sản: 200.000 đồng/người/tháng; Các Phó Ban quản lý vùng nuôi thủy sản: 150.000 đồng/người/tháng (mỗi Ban quản lý vùng nuôi thủy sản không quá 02 Phó Ban); Hỗ trợ tổ chức cuộc họp hàng tháng: 50.000 đồng/Ban/tháng.

Điều kiện được hỗ trợ là Ban quản lý vùng nuôi thủy sản, cá nhân có tên trong Quyết định thành lập do Ủy ban nhân dân xã/thị trấn ban hành còn hiệu lực và đảm bảo hoạt động đúng theo Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Hồ sơ thanh quyết toán kinh phí, gồm: Danh sách ký nhận tiền của Ban quản lý vùng nuôi thủy sản và biên bản họp định kỳ hàng tháng có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã/thị trấn.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài chính xây dựng dự toán chi phí hàng năm, hướng dẫn trình tự quyết toán kinh phí đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. 

Nỗ lực Sở ngành

Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai ứng dụng nền tảng Map4D GIS Platform để xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1900 hecta vùng nuôi tôm công nghệ cao, hướng đến việc mở rộng phạm vi số hóa, quản lý 4000 hecta theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng giải pháp phát triển phạm vi nuôi chuyên canh tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc quản lý, giám sát và tối ưu quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nhựa lót bạt 3 giai đoạn tại tỉnh Bến Tre. Nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các cơ quan có liên quan tiếp tục duy trỳ hoạt động của 91 Ban Quản lý vùng nuôi tôm nước lợ và đang triển khai vận động thành lập hợp tác xã công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú có quy mô 100 ha.

Diện tích nuôi tôm công nghệ cao trong tháng 3/2022 khoảng 380 ha, tăng 69,5% so cùng kỳ, đạt 20% kế hoạch; sản lượng 1.070 tấn, tăng 42,5% so cùng kỳ, đạt 2,68% kế hoạch.

Lũy kế từ đầu năm đến nay diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt 500 ha, nâng tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh 2.500 ha, bằng 62,5% mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh vào năm 2025.