Trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ: Rộng cửa thị trường

Trên diện tích hơn 8.000 m2, trước đây cũng như nhiều hộ nông dân khác trong vùng chỉ tập trung phát triển cây lúa nước truyền thống, cách đây 5 năm, ông Lê Văn Trí, ấp Bình Thạnh, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng bưởi da xanh, cam, quýt theo hướng hữu cơ. Hiện tại, vườn cây ăn trái 5 năm tuổi của gia đình (trong đó 90% là bưởi da xanh) đang phát triển khá tốt và bắt đầu cho thu hoạch, hứa hẹn những vụ mùa bội thu.

“Gắn bó với mảnh đất Bình Hòa này đã trên 50 năm và chỉ trồng độc canh cây lúa nước, song mấy năm trở lại đây hiệu quả kinh tế từ cây lúa mang lại khá thấp. Nguyên nhân một phần là do hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện nên không bảo đảm được nước tưới, năng suất lúa đạt thấp. Mặt khác do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra, nắng nóng kéo dài gây thiếu nước cục bộ, cây lúa không phát triển được nên tôi quyết định cải tạo, chuyển đổi sang trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ”, ông Trí nhớ lại.

Để phát triển vườn cây ăn trái theo hướng hữu cơ cũng như bảo đảm đủ độ ẩm và nước tưới cho cây sinh trưởng và phát triển, trước khi trồng, toàn bộ diện tích vườn được ông đào mương bao quanh. Trên bờ ông trồng bưởi da xanh xen lẫn cam, quýt, còn dưới mương nước ông thả nuôi cá, lươn đồng.

“Toàn bộ vườn cây ăn trái được phát triển theo hướng hữu cơ, không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào khác. Hàng ngày, nhờ hệ thống kênh mương bao quanh có sẵn nước nên tôi sử dụng vòi bơm để xịt lên cây, nhờ đó các loại côn trùng, sâu gây hại rơi xuống tạo thêm nguồn thức ăn cho cá, lại bảo đảm cho cây không bị sâu bệnh hại. Việc phát triển vườn cây ăn trái kết hợp nuôi cá theo hướng hữu cơ là mong muốn phát triển trang trại theo hướng bền vững, cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng”, ông Trí chia sẻ.

Nhờ sản xuất theo hướng sạch, an toàn, nên đầu ra của trang trại khá ổn định và luôn cao hơn giá các sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Hiện giá bưởi da xanh được thương lái thu mua ngay tại vườn với giá khoảng 50.000 đồng/kg, song trang trại không đủ nguồn hàng để cung ứng.

Theo ông Trí, trước đây trồng lúa, với diện tích như trên hiệu quả kinh tế mang lại chỉ đạt khoảng 5-6 triệu đồng sau khi đã trừ các khoảng chi phí. Tuy nhiên, khi chuyển qua trồng bưởi da xanh và các loại cây ăn trái khác, dù mới thu hoạch năm đầu tiên, song hiệu quả kinh tế đã tăng lên hàng chục lần so với trồng lúa.

“Thời gian tới, tôi tiếp tục cải tạo trang trại và hoàn thiện các khâu khác để sản xuất đi vào ổn định. Mong muốn lớn nhất là trang trại sớm được chứng nhận hữu cơ để mình có điều kiện liên kết sản xuất theo chuỗi, qua đó nâng cao giá trị kinh tế”, ông Trí cho biết thêm.

Hiện nay, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là định hướng mới của ngành nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Với nhiều nông sản đặc trưng và có thế mạnh, tỉnh Đồng Nai cũng đang rất quan tâm đến các quy trình sản xuất sạch, an toàn, trong đó có quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ.