Ngày 29/7, Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN đã phối hợp với Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế tổ chức hội thảo giới thiệu các công nghệ xử lý nước thải trong các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế quy mô nhỏ tại TP.HCM.
PGS. TS. Doãn Ngọc Hải cho rằng, hiện nay TP.HCM có số lượng phòng khám lớn nhưng đa số chưa có giải pháp xử lý nước thải tối ưu. Vì thế, Viện sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ phía Nam tiếp cận và tiến hành khảo sát chất lượng nước phòng khám, sau đó đưa ra công nghệ phù hợp với quy mô phòng khám. Những công nghệ này có giá thành phù hợp, trong phạm vi năng lực của các phòng khám.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đã phát triển thành công một phần mềm giám sát chất lượng nước trong chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện. Việc làm này giúp các bệnh viện, không còn ghi chép thủ công khi kiểm tra chất lượng nước chạy thận, giảm nguy cơ tai nạn cho bệnh nhân. Phần mềm này chúng tôi sẵn sàng chuyển giao cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu tại TP.HCM”- PGS.TS. Hải chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc công ty môi trường nano, hiện nay công ty đang hợp tác với Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường phát triển một công nghệ xử lý nước thải với công suất xử lý 4 mét khối nước thải/ 1 ngày bằng công nghệ nano. Chi phí cho mỗi máy vào khoảng dưới 100 triệu. “Hiện tại chúng tôi đã chuyển giao công nghệ này cho khoảng 15 phòng khám, bệnh viện quy mô nhỏ tại TP.HCM và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và khẳng định máy xử lý nước thải sẽ có thể giảm giá thành nữa để đáp ứng nhu cầu của các phòng khám và các cơ sở tại TP.HCM sẽ được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ xử lý nước thải với công nghệ mới nhưng giá thành tốt nhất"- ông Diện chia sẻ.
Trung tâm ứng dụng và dịch vụ KH&CN (thuộc Cục Công tác phía Nam-Bộ KH&CN) và Viện Kiểm định thiết bị và đo lường(thuộc Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường- Bộ Y tế) ký kết biên bản ghi nhớ với Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) trong việc giải quyết vấn đề nước thải tại các cơ sở y tế quy mô nhỏ. Theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) việc ký kết này nhằm mục đích cùng nhau giải quyết các vấn đề xã hội. Đây là một chức năng của Viện, nhưng ở địa bàn TP.HCM và miền Nam chưa thể sát sao. Vì thế, việc ký kết này được coi là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về nước thải tại các cơ sở y tế tại TP.HCM.
Tin mới
Các tin khác
- Nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cấp nước ăn uống công nghệ tiên tiến với chi phí thấp tại vùng khan hiếm nước ở đồng bằng sông Cửu Long - 23/07/2019 02:48
- TP.HCM hỗ trợ Sóc Trăng tạo lập và phát triển hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo - 20/11/2018 04:53
- Hợp tác công - tư: giải pháp cho thành phố thông minh - 11/10/2018 04:11