Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội toàn cầu, ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề và để lại hậu quả lâu dài nhất. Việt Nam nói chung, tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, nguồn nhân lực du lịch bị thất thoát rất nhiều. Sự thiếu hụt lao động trong thời gian tới là không thể tránh khỏi nếu không kịp thời có những giải pháp phục hồi ngành du lịch cũng như nguồn nhân lực tại địa phương.

Ngày 13/05/2022, trường Đại học Văn Hiến cùng Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19”. 

Hội thảo có sự tham dự của các khách mời từ Trung ương và đại diện các tỉnh thành:
- Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; 
- Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học & Công nghệ;
- Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch; 
- Ông Vũ Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch;
Cùng đại diện Sở Du lịch các tỉnh thành trên toàn quốc.

Với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành du lịch TPHCM đã đề ra 2 giải pháp chính để khắc phục khó khăn là chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn, vừa tập huấn, bồi dưỡng… xây dựng, thành lập thêm các khoa nghiệp vụ du lịch để đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin; Chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ,Nam Trung bộ…

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM phát biểu về kinh nghiệm liên kết, hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/ thành.

Phát biểu tại hội thảo, Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết: TPHCM với lợi thế là địa phương có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo về chuyên ngành du lịch quy mô lớn nhất nước, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Nam, với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp. Trung bình hàng năm, có khoảng hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành. Hiện Thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, 15% có trình độ đại học, 50% trình độ cao đẳng, trung cấp. Qua đó cho thấy cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo chưa thật hợp lý giữa các loại hình, các nghề của ngành du lịch; nguồn nhân lực được đào tạo chưa thật sự đạt chuẩn; một số cơ sở đào tạo chưa chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao; chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu đào tạo về nhân sự, nhân viên du lịch mà chưa chú trọng đào tạo về nhân lực quản lý của ngành.

Hội thảo đã quy tụ hơn 70 tác giả, nhận được sự quan tâm đặc biệt với hơn 55 bài viết được gởi về chương trình, 35 bài tham luận được tuyển chọn, gần 200 khách mời đến từ 24 trường đại học; 07 cơ quan, doanh nghiệp và 03 viện nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch. Đây là cơ hội lớn để cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tiếp xúc, giao lưu và thảo luận. Các diễn giả tập trung thảo luận các nội dung về việc định hướng giải pháp cũng như cách thức thực thi nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch Việt Nam: nhận diện cơ hội, thách thức và các vấn đề phát triển ngành du lịch trong thời kỳ hậu Covid-19; tập trung các giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp, địa phương; ứng dụng công nghệ mới; định hướng và phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch…

Ngoài ra, Hội thảo còn đón nhận được nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành và khách sạn.

Nguồn: Phòng HTPT tổng hợp.