Liên kết đại học - doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học

Liên kết hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp được Trường Đại học Bách khoa TPHCM xác định là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Tại Hội thảo quốc tế về Liên kết Đại học – Công nghiệp với chủ đề “Quốc tế hóa giáo dục đại học”, do Trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức ngày 11/11, PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, một trong những yếu tố tác động và ảnh hương lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các trường đại học, đó là sự tham gia của khối công nghiệp với giáo dục đại học. Vì vậy, việc liên kết, hợp tác giữa trường đại học – công nghiệp được nhà trường nhận thức là một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển và được Trường Đại học Bách khoa TPHCM triển khai thực hiện trong 10 năm qua. PGS.TS Mai Thanh Phong cho biết, thời gian qua, Trường Đại học Bách khoa TPHCM luôn nhận được sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, thông qua xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo. Hiện trường dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định và đạt chuẩn quốc tế với 51 chương trình, chiếm gần 1/3 trong tổng số các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế trên toàn quốc. Để đạt được kết quả này, hàng năm nhà trường có những khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp để cải tiến chương trình đào tạo sao cho sát với nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, tất cả các hội đồng khoa học từ cấp trường đến cấp khoa, đều có sự tham gia của doanh nghiệp để xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng luôn đồng hành và sẵn sàng tạo điều kiện cho trường gửi sinh viên đến kiến tập, thực tập. Đồng thời, hỗ trợ nhà trường nâng cao cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khóa học, có những chương trình học bổng (khoảng 20 tỷ đồng/năm) cho sinh viên để khuyến khích tài năng, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn.

PGS.TS Lại Quốc Đạt, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại cho biết thêm, hiện nay Nhà trường đã thiết lập liên kết, hợp tác chính thức với hơn 80 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, có thể kể đến như Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO), Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, Tập đoàn FPT, VNPT, Viettel, Suzuki, Intel, Bosch, Microsoft, Hitachi,… Qua đó, đã có nhiều kết quả nghiên cứu được triển khai vào thực tiễn sản xuất như vữa khô trộn sẵn, đá nhân tạo từ xỉ than nhà máy nhiệt điện, chip 5G, hệ thống chiếu sáng đô thị,… Riêng về hợp  quốc tế, tính đến năm 2021, Trường có 282 công bố khoa học đồng tác giả với các đối tác nước ngoài, 22 đề tài nghiên cứu đoạt các giải quốc tế, 4 sáng chế quốc tế và 45 hội thảo có các đối tác nước ngoài. Hiện Trường đang thực hiện 9 dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ.

Tuy nhiên, theo TS Đạt, việc liên kết giữa đại học – công nghiệp còn nhiều trở ngại liên quan đến sở hữu trí tuệ, chưa xây dựng được chính sách để thúc đẩy việc quốc tế hóa giáo dục một cách đồng bộ, các chương trình đào tạo chưa đáp ứng được người học và dạy ở nước ngoài tham gia tại Trường, nhận thức về liên kết đại học – công nghiệp của một số nhân viên, giảng viên nhà trường còn hạn chế,…

Để khắc phục được những khó khăn này và nâng cao hiệu quả liên kết giữa đại học – công nghiệp, theo TS Đạt, cần có sự nhận thức, cam kết thực hiện của lãnh đạo nhà trường, cơ quan chủ quản, cũng như khối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn lực (con người, tài chính) thực hiện sự liên kết này cần được hai bên chia sẻ lẫn nhau. Ngoài ra, trường đại học cần thực hiện tốt việc đào tạo, nghiên cứu  đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng. Khối doanh nghiệp cung cấp, cập nhật liên tục các thông tin, nhu cầu của thị trường, đồng thời hỗ trợ về tài chính cho hoạt động như nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên,,… cũng như tham gia tích cực vào quá trình đào tạo cùng nhà trường.

Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phân Công nghệ Bách khoa TPHCM, doanh nghiệp mong muốn việc liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ, các nhà khoa học luôn đồng hành trong suốt quá trình phát triển sản phẩm. Nếu có vấn đề trục trặc thì các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và làm ra sản phẩm đạt yêu cầu của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp khi đặt hàng thường yêu cầu nhà khoa học nghiên cứu ra các sản phẩm có tính mới, đáp ứng được chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn đã ban hành, với giá thành cạnh tranh”, ông Sơn nói.