Ngày 15/12, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo khoa học “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững”. Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì Hội thảo.
Cùng dự Hội thảo có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy; cùng đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ban ngành tham dự.
Hội thảo đã thông qua 15 báo cáo và tham luận về khoa học và công nghệ, như: Ứng dụng công nghệ tự động hóa đẩy mạnh phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Vai trò khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn đối với một số sản phẩm chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long; Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường và phòng trị bệnh trên tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long; Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng…
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hàng năm, vùng đóng góp hơn 20% GDP, giữ vai trò số một của quốc gia trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, vùng đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước, đây cũng là nơi có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thẳng thắn cho rằng, nhìn tổng thể kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.
Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm và theo kịp với các khu vực khác đồng chí Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần đẩy mạnh lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đây được xem là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Muốn vậy, vùng cần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng; đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, tìm kiếm, lựa chọn, tiếp nhận công nghệ; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, Viện, Trường theo hướng đặt hàng, chuyển giao công nghệ; cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ trên thị trường…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng: Cần khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong ứng dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng giá trị thương mai của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành nên tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để làm động lực cho tăng trưởng với tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: Tỉnh đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh các dự án gắn với các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia: “Đa dạng hóa sản phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm xay xát lúa gạo, phát triển các sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ lúa gạo ST”; “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến các sản phẩm từ trái cây (Vú sữa, bưởi, nhãn,...)”; “Hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm từ sinh khối Artemia Vĩnh Châu”.
Đồng thời, hỗ trợ tỉnh xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Sóc Trăng” cho sản phẩm gạo thuộc giống lúa ST24 và ST 25, đưa nhãn hiệu đã được bảo hộ vào chương trình, kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các mô hình ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, quản lý khai thác biển.
Các đại biểu, nhà nghiên cứu dự hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp trong từng lĩnh vực. Theo đó, ứng dụng và định hướng tiến bộ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số phát triển nghề nuôi cá tra, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đề xuất ứng dụng blockchain (công nghệ chuỗi). Đây là một phần không thể thiếu cho ngành nuôi cá tra từ trại sản xuất giống đến trang trại nuôi thương phẩm và chế biến. Sử dụng công nghệ số đồng bộ trên nền tảng phần mềm và IoT cho phép mọi hoạt động công khai minh bạch của đơn vị sản xuất đến các người có liên quan.
*Trước đó, ngày 14/12, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về công tác khoa học và công nghệ trên địa bàn./.
Tin mới
- Hội thảo đánh giá giữa kỳ Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2025 - 29/08/2023 02:19
- Hội thảo quốc gia “Ứng dụng công nghệ phát triển chuỗi cung ứng du lịch bền vững” tại Phân hiệu Vĩnh Long - 30/06/2023 05:05
- Bốn nhóm vấn đề ứng dụng AI ngành khoa học xã hội - 19/06/2023 02:07
Các tin khác
- Liên kết đại học - doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học - 14/11/2022 05:39
- Hội thảo Tổng kết hoạt động của Khối Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2014 – 2022 và Hội thảo Phát triển thị trường Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo - 11/11/2022 04:51
- TP.HCM áp dụng phương thức 5 bước thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công - 09/09/2022 01:37