Công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản”

Trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018 được tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 25/5, Hội thảo Công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản” đã đưa ra nhiều báo cáo tham luận có giá trị nhằm đưa đến một cái nhìn tổng quát về thực trạng, xu hướng, các mặt thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng các công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tiễn sản xuất của một số doanh nghiệp nông nghiệp và chăn nuôi; chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp và các tổ chức đến từ Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ này.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có khí hậu cận xích đạo vùng nên thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp (mưa nhiều, nắng nóng) đặc biệt là phát triển trồng cây ăn trái, trồng lúa nước và cây lương thực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng và 36,5% lượng trái cây cả nước. Vùng cung cấp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD năm 2016; kim ngạch xuất khẩu cá tra khoảng 1,7 tỷ USD năm 2016; sản lượng tôm chiếm 80% sản lượng và đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, đạt 3,15 tỷ USD năm 2016.  Xuất khẩu trái cây của vùng tăng trưởng nhanh, đạt khoảng 1,1 tỷ USD trong giai đoạn 2010 – 2016.

Mặc dù nông nghiệp là "trụ đỡ" cho sự phát triển kinh tế của vùng trong nhiều năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của vùng đã chậm lại, từ mức 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010, xuống còn khoảng 5% vào giai đoạn 2011-2016. Mức đóng góp của ngành nông nghiệp ĐBSCL vào GDP nông nghiệp toàn quốc cũng giảm dần từ mức 52,8% vào năm 2000, xuống còn 37% năm 2015. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp ĐBSCL cũng dịch chuyển với tốc độ khá chậm, chủ yếu vẫn dựa vào trồng trọt (trên 60% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản). Sinh kế của người nông dân ĐBSCL cải thiện tương đối chậm so với mặt bằng chung cả nước...

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2017,hiện nay, nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang hướng tới những hạn chế của một mô hình tăng trưởng bắt nguồn từ việc tăng cường các hệ thống sản xuất, bao gồm việc sử dụng lao động, hóa chất và tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn hiệu quả và tăng thêm giá trị. Tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và khả năng cạnh tranh của Việt Nam với vai trò là nhà cung cấp hàng hoá rời rạc, không có sự khác biệt đang là những dấu hiệu cảnh báo khiến ngành nông nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh về lao động, đất đai và các nguồn lực khác. Cùng với các diễn biến bất lợi do biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra, ngành nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn, bắt buộc chúng ta phải thay đổi tư duy, cách nghĩ và cách làm, theo đó sản xuất nông nghiệp phải dựa trên việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số hóa.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Nông nghiệp 4.0 trong trồng trọt: Xu hướng và ứng dụng thực tiễn; Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp: Bài học kinh nghiệm từ Vifarm; Ứng dụng công nghệ cao – tiềm năng, triển vọng của mô hình chăn nuôi 4.0 ở nước ta; Công nghệ trồng sâm thủy canh siêu năng suất; Các công nghệ tiên tiến phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững; Hệ thống giám sát và điều khiển tự động cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản;...

Nguồn: Cục Công tác phía Nam.