Phát triển Doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Ngày17/5/2019, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố” với sự tham dự của đại diện nhiều doanh nghiệp KH&CN và các đơn vị liên quan để ghi nhận ý kiến đóng góp để các chính sách.

Đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN. Nghị định được kỳ vọng tạo điều kiện giải quyết tốt hơn việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN cũng như quy định các chính sách ưu đãi mạch lạc, rõ ràng và dễ đáp ứng hơn cho doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN là nội dung được thành phố quan tâm. Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp KH&CN của TP. Hồ Chí Minh đã tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2017, đạt 74 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi hy vọng phát triển các doanh nghiệp KH&CN không chỉ về số lượng mà phải về cả chất lượng. Bản thân tôi thấy sản phẩm của các doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay cũng rất sáng tạo. Sở KH&CN cũng rất sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký, phát triển các sản phẩm nhưng các doanh nghiệp cũng rất cần phải phát triển, sáng tạo những sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu thị trường.” Hiện Sở KH&CN đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực dành cho doanh nghiệp như hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN; phát triển thị trường KH&CN.

Theo ông Võ Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế – Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, một trong các nội dung đáng chú ý là doanh nghiệp KH&CN được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo từ năm đầu tiên doanh nghiệp KH&CN có thu nhập chịu thuế.

Ngoài ra, theo quy định mới, doanh nghiệp KH&CN không được ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với năm tài chính không đáp ứng được điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Các điều kiện, thủ tục ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp KH&CN tại hội nghị, những chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp mặc dù nhiều nhưng vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả. Nhận xét về những quy định mới này, ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc công ty TNHH Kỹ thuật điện Sản xuất và Thương mại Tân Đức Hàn cho rằng, mặc dù đã có những nét mới nhưng quy định này vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Sỹ chia sẻ: “Yêu cầu tối thiểu 30% tổng doanh thu từ sản phẩm khoa học công nghệ vẫn không khả thi đối với các doanh nghiệp có doanh thu lớn do đó sẽ không tạo được động lực đầu tư cho khoa học công nghệ cho doanh nghiệp. Thay vào đó, nhà nước có thể thực hiện những hỗ trợ khác thiết thực hơn ví dụ như hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký chứng nhận ISO”.

Ông Đỗ Hoàng Trung, CEO công ty CP Kỹ thuật Ý tưởng cho biết, các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp KH&CN đã có nhiều và doanh nghiệp cũng đánh giá cao những chính sách đó. Tuy nhiên, trong thực tế, gần như doanh nghiệp vẫn chưa thế tiếp cận được những ưu đãi đó, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính. Ông Trung kiến nghị Sở KH&CN có thể tham mưu với thành phố và có những quy định, hướng dẫn cụ thể để các Sở ban ngành, các đơn vị cùng phối hợp và có cách làm thống nhất giúp doanh nghiệp thực sự được hưởng những chính sách theo quy định.