EdTech-Công nghệ giáo dục, cơ hội trong đại dịch, bùng nổ hậu Covid-19?

Trong khuôn khổ sự kiện thường niên do chính quyền thành phố Seoul tổ chức “Try Everything 2021” tại Seoul, Hàn Quốc từ ngày 15/9/2021 đến 17/09/2021, Cục Công tác phía Nam (ASA - MOST) chủ trì tổ chức buổi hội thảo online với chủ đề “The rise of EdTech during and post Covid 19” (Sự nổi lên của công nghệ giáo dục EduTech trong và hậu Covid 19 với sự tham gia của các chuyên gia: doanh nhân khởi nghiệp, quỹ đầu tư, trường đại học, tại Việt Nam và quốc tế.

Đại dịch Covid-19 đã và đang tấn công thế giới nói chung, Việt nam không ngoại lệ. Nguy cơ mất mát các thành tựu kinh tế của một giai đoạn dài nỗ lực tăng trưởng, phát triển là rõ nét, vậy nhưng một khái niệm được nhắc nhiều trong giai đoạn này “trong nguy, có cơ”, hội thảo là dịp các chuyên gia ngồi lại trao đổi làm rõ câu chuyện nào, giải pháp nào, cơ hội nào lúc này, quan trọng hơn cùng xem xét dự báo khả năng phục hồi sau đại dịch.

Lĩnh vực Edtech, hay gọi là “công nghệ giáo dục” đang ngày càng phát triển. Vì sự an toàn, người dân có xu hướng chuyển sang học trực tuyến trong Covid-19. Báo cáo của Do Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và Đông Nam Á, cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực, và thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính là giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính.

Dù tiềm năng là vậy, song Edtech không phải là “mảnh đất” dễ khai phá và mang lại thành công cho số đông. Hầu hết các Startup và mô hình kinh doanh làm về giáo dục cần phải có đam mê và sự bền bỉ lớn bởi xét hiệu quả kinh tế thì không sánh được với những mảng khác về tiêu dùng, ăn uống, hay giải trí.

Để làm rõ câu chuyện EdTech trong đại dịch và tương lai sau đại dịch Covid-19 thế nào, ba chuyên gia tham gia phiên thảo luận: Bà Laura Phan, sáng lập và điều hành nền tảng iZi, một Startup trong lĩnh vực EdTech có sự tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian qua; Giáo sư Sang Fil Han, đến từ Arizona State University, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực Hệ thống thông tin, AI, Robotic, ông là cố vấn cho nhiều Edtech Startup, đặc biệt đang phát triển mạnh tại Việt Nam; ông Lê Nguyễn, nhà phân tích cấp cao đến từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Ascent Việt Nam, đã nhiều năm gắn bó với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đồng hành cùng hàng ngàn Startup.

Chuyên gia đều thống nhất, giãn cách đã thúc đẩy, tạo cơ hội các ý tưởng, giải pháp EdTech thích ứng, đặc biệt trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ trực tuyến. Minh chứng điều này Bà Laura Phan đã lý giải tốc độ tăng trưởng của nền tảng iZi đạt 100% trong nhiều tháng qua. “Vì với lợi thế thông hiểu thị trường, vận hành tinh gọn, hiệu quả nên sản phẩm của iZi đã chiếm được cảm tình của rất nhiều khách hàng. Sản phẩm này giúp khách hàng trải nghiệm việc học xoay quanh thiết kế trò chơi hoá và nội dung được phân chia nhỏ mỗi 5 phút, phù hợp với các bạn gen Z”, tuy nhiên bà cũng chỉ ra một rào cản không nhỏ cho EdTech đó là tính “truyền thống”. Do hệ thống giáo dục Việt Nam có đặc điểm “bảo thủ” phương pháp giáo dục truyền thống, đây sẽ là thách thức không nhỏ cho EdTech, đặc biệt các startup, tuy nhiên cá tính giới trẻ, đặc biệt thế hệ Z sẽ là một cơ hội để tháo bỏ.

Nếu như bà Laura Phan chỉ ra vấn đề “bảo thủ” thì GS. Sang Fil Han (ASU) cho rằng công nghệ đang là rào cản thực sự của EdTech. Ông cho rằng đường truyền, thiếu hụt thiết bị đầu cuối là vấn đề của toàn thế giới không riêng Việt Nam khi ứng dụng các phương thức đào tạo trực tuyến. Mặc dù Giáo sư cho rằng việc sẵn sàng dịch vụ 24/7, tính di động và mọi nơi mọi lúc là thế mạnh của các đào tạo trực tuyến nhưng còn nhiều vấn đề công nghệ cần giải quyết để đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ phải thỏa mãn nhu cầu của người dùng. Chính vì vậy ông đề nghị startup trong lĩnh vực AI, Robotic,…sẽ có nhiều cơ hội khi nhảy vào EdTech trong thời gian sắp tới.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, chuyên gia Lê Nguyên khẳng định EdTech có sự tăng trưởng nhanh trong bối cảnh đại dịch, tuy nhiên vấn đề lớn với startup của Việt Nam lại là ý tưởng. Nếu các ý tưởng không mới, có tính đột phá, chỉ sao chép các ý tưởng bên ngoài thì hoàn toàn không có cơ hội. Từ góc nhìn của mình chuyên gia cũng khuyến nghị cơ hội lớn cạnh tranh lớn, điều đó là thách thức thực sự với startup Việt Nam trong lĩnh vực EdTech.

Buổi thảo luận đã làm rõ bức tranh “trong nguy có cơ” của startup trong lĩnh vực EdTech, cơ hội là vậy nhưng thách thức không nhỏ, vậy nên trong giai đoạn tới các chuyên gia đề dự báo tăng trưởng về số lượng các startup trong lĩnh vực EdTech sẽ có bứt phá, nhưng cần phải lưu ý đến chất lượng, đặc biệt các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững như hạ tầng công nghệ, dịch vụ cung cấp nội dung, tính phong trào thể hiện qua việc sao chép ý tưởng từ quốc tế.