Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021: Việt Nam dẫn đầu nhóm các quốc gia cùng mức thu nhập

Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng chỉ số ĐMST như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2021 và Kết quả của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức chiều ngày 21/9, ông Marco M. Aleman - Trưởng cơ quan Hệ sinh thái ĐMST và Sở hữu trí tuệ, Trợ lý - Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO đã nhấn mạnh như trên.

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia từ Tổ chức WIPO, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế và đại diện KH&CN Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ; đại diện các bộ, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cải thiện chỉ số GII. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp những thông tin mới nhất về kết quả Chỉ số GII của Việt Nam năm 2021, các điều chỉnh về phương pháp luận, ý nghĩa của chỉ số và các vấn đề đặt ra.



Toàn cảnh Hội thảo từ đầu cầu Hà Nội

Việt Nam đang bắt kịp đà tăng chỉ số ĐMST của thế giới

Trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế (so với thứ hạng 42 năm 2019 và năm 2020) sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Mặc dù Việt Nam giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra ĐMST (thứ hạng 38) và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 02 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020, nhưng giá trị GDP mới, lớn hơn đã điều chỉnh lại thứ hạng của Việt Nam do nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán, trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).

Do tác động của nhiều yếu tố đến kết quả xếp hạng, trong đó có ảnh hưởng của phương pháp tính toán, xếp hạng nên bên cạnh vị trí xếp hạng, Báo cáo GII còn công bố khoảng tin cậy của thứ hạng để làm căn cứ khi so sánh giữa các thứ hạng gần nhau. Năm 2021, WIPO công bố thứ hạng của Việt Nam là 44 và công bố khoảng tin cậy của thứ hạng này trong khoảng 42 đến 47. Năm 2020, Việt Nam có thứ hạng 42 và khoảng tin cậy là 41 đến 50. Do vậy, nếu đánh giá theo khoảng tin cậy thì thứ hạng GII của Việt Nam năm 2021 và 2020 là gần như tương đương nhau.

Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trong các quốc gia xếp trên Việt Nam năm 2021, không có quốc gia nào ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.

Theo đánh giá của WIPO năm 2021, chỉ số GII của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 22, tăng 12 bậc từ vị trí 34 năm 2020 – thứ hạng cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam đối với trụ cột này. Đây cũng là trụ cột có thứ hạng cao nhất trong 07 trụ cột của GII. Trong đó, tiến bộ mạnh mẽ nhất là nhóm chỉ số về chỉ số về Thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường đã tăng 34 bậc, từ thứ hạng 49 lên 15 – cũng là thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay của nhóm chỉ số này. Cụ thể, chỉ số Mức thuế quan áp dụng, bình quân gia quyền/tất cả các sản phẩm (%) - tăng 61 bậc (từ hạng 82 lên 21). Đây là kết quả của các nỗ lực gỡ bỏ rào cản thuế quan thông qua hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương mà chúng ta đã tích cực chủ động tham gia trong vài năm trở lại đây.

Chỉ số Quy mô thị trường nội địa tăng 9 bậc (từ hạng 32 lên 23). Đặc biệt, chỉ số mới được sử dụng trong GII 2021 là Đa dạng hóa các ngành trong nước (thay thế cho chỉ số Mức cạnh tranh trong nước) có thứ hạng cao, xếp hạng 9.

Nhóm chỉ số về Tín dụng của Việt Nam luôn được đánh giá cao, tiếp tục giữ thứ hạng 9 đã đạt được từ năm 2020, và là nhóm chỉ số có thứ hạng cao nhất trong tổng số 21 nhóm chỉ số của GII. Trong nhóm chỉ số này, chỉ số Tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân (% GDP) tiếp tục cải thiện 3 bậc (từ hạng 15 lên 12).

Trong nhóm chỉ số về Liên kết ĐMST, chỉ số Hợp tác đại học - doanh nghiệp trong trong nghiên cứu và phát triển tăng 31 bậc (từ hạng 65 lên 34). Chỉ số Quy mô phát triển cụm công nghiệp tăng 25 bậc (từ hạng 42 lên 17). Các chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ĐMST, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và viện trường, phát triển các khu công nghiệp, kinh tế, khu công nghệ cao và các cụm công nghiệp nhỏ đã được phát huy, nhờ đó nhóm chỉ số Liên kết ĐMST đã được cải thiện tích cực nhất từ trước tới giờ, tăng 17 bậc (từ hạng 75 lên 58).

Khẳng định hiệu quả đầu tư cho đổi mới sáng tạo

Theo nhận xét của các chuyên gia WIPO, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường đoán, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và ĐMST trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.

Có nhiều yếu tố quan trọng mang lại những kết quả tích cực nói trên, trong đó phải kể đến việc từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này, và Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, chỉ số GII của Việt Nam giữ vững được vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong những năm qua.

Theo đánh giá của WIPO, điểm số 7 trụ cột GII của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của nhóm các nước cùng nhóm thu nhập và trong hơn 10 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển của mình, cho thấy hiệu quả của Việt Nam trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST.

Trong Báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành và trong bản thông cáo báo chí về GII 2021 của WIPO, Việt Nam tiếp tục được WIPO nêu trong Báo cáo như hình mẫu đáng học hỏi “Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế GII có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng ĐMST theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện ĐMST toàn cầu trong những năm tới. Đó là chìa khóa để các quốc gia khác học hỏi từ các quốc gia như Việt Nam và tham gia nhóm các quốc gia liên tục đi lên về ĐMST”.

Ông Marco M. Aleman - Trưởng cơ quan Hệ sinh thái ĐMST và SHTT, Trợ lý - Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO ghi nhận: “Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi ĐMST là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển quốc gia. Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động ĐMST ở cấp độ cao nhất”.



Ông Marco M. Aleman - Trưởng cơ quan Hệ sinh thái ĐMST và SHTT, Trợ lý - Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ, trong hai năm qua, Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đã trải qua đại dịch Covid-19 toàn cầu, với ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, từ sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, phát triển tới mọi mặt của đời sống, chắc chắn hoạt động ĐMST cũng bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.  Tuy nhiên Tổ chức WIPO đánh giá đầu tư cho ĐMST vẫn được duy trì trong suốt 2 năm vừa qua cho thấy chỉ có đầu tư vào ĐMST là một trong những hướng đi bền vững cho thế giới cũng như Việt Nam chống chọi lại với đại dịch Covid-19. Thứ trưởng nêu dẫn chứng, điều này cũng đã thể hiện qua các kết quả nghiên cứu phát triển của Việt Nam đầu tư cho ĐMST trong nhiều năm qua và kịp thời đưa vào ứng phó với đại dịch Covid-19 như bộ kit test do Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo và phát triển đã xuất hiện đúng lúc và đưa vào sản xuất, sử dụng trong hai năm qua.

Bên cạnh đó là hàng loạt các kết quả khác như Việt Nam đã nghiên cứu và phát triển robot tự hành, máy tạo oxy dòng cao, nghiên cứu vaccine Nanocovax cũng như nhiều loại đang nghiên cứu sẽ được cấp phép giúp nhanh chóng kiểm soát đại dịch. Tất cả yếu tố liên quan đến KH,CN&ĐMST tiếp tục ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như chống đứt gãy trong chuỗi sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế trong thời gian tới... cũng phần nào thể hiện trong chỉ số sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2021. Thứ trưởng nhấn mạnh.



Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo

 

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, có thể khẳng định trong bảng xếp hạng GII, vị trí 44/132 quốc gia là nỗ lực to lớn của Việt Nam. Việc tiếp tục giữ vững vị trí của Việt Nam về ĐMST trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu từ năm 2017 đến nay cho thấy những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, của Chính phủ đã được chuyển thành hành động cụ thể của các Bộ, các cơ quan trung ương và địa phương trong việc cải thiện năng lực ĐMST của Việt Nam. Những nỗ lực này đã được đền đáp bởi chính kết quả xếp hạng GII trong những năm qua và đặc biệt từ năm 2017 trở lại đây.



Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) phát biểu tại Hội thảo

 

Ông Andrew Micheal Ong, đại diện Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương của WIPO cho rằng, Việt Nam cần có mục tiêu chiến lược trong việc thúc đẩy đa dạng các đổi mới sáng tạo. Ông cũng nhắc tới sản phẩm mũ cách ly di động phòng chống dịch Covid-19 Vihelm có hệ thống thông khí cho bác sĩ của nhóm các bạn học sinh và cho rằng đây chính là sản phẩm giải pháp thể hiện sự đổi mới sáng tạo vượt qua những thách thức, giới hạn và nguồn lực.

Theo các chuyên gia, để có thể tiếp tục cải thiện nâng cao năng lực ĐMST một cách bền vững, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, lâu dài, có sự tham gia phối hợp của cả hệ thống chính trị mà trọng tâm là đưa hệ thống ĐMST quốc gia lên một tầm mức phát triển mới, trong đó KH,CN&ĐMST thực sự trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế.