Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ.

Ngày 25/3 tại TP.HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức hội thảo phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Hội thảo có tên “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ”.

Tham dự Hội thảo có: ông Huỳnh Thành Đạt - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Vũ Hải Quân - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐHQG TP. HCM; ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội, trên 100 đại biểu tham dự trực tiếp và trên 300 đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu trong nước và quốc tế, đại diện đến từ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; ĐHQG TP. HCM; ĐHQG Hà Nội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hội doanh nhân trẻ TP.HCM; Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; đại diện Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; mạng lưới các Hội tri thức và doanh nhân kiều bào từ các quốc gia, vùng lãnh thổ; một số doanh nghiệp tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Phát biểu tại Hội thảo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN, mà còn cần sự đồng hành, sát cánh của các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học,… Hiện nay, Bộ KH&CN đang khẩn trương triển khai các công việc để tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm và 10 năm tới. Một trong các nội dung được Bộ quan tâm là làm thế nào để đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch trong việc quản lý các chương trình, nỗ lực huy động tối đa các nhà khoa học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong toàn quốc tham gia các chương trình KH&CN, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.
TS. Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, Chương trình Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030 (thuộc đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ), đặt mục tiêu hỗ trợ kết nối chuyển giao 100 công nghệ; 30 công nghệ tiên tiến được giải mã, làm chủ phục vụ tạo ra một số sản phẩm chủ lực, trọng điểm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường; xây dựng được mạng lưới 400 đối tác công nghệ trong nước và quốc tế, 8.000 hồ sơ công nghệ tiên tiến của nước ngoài phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp;… Trong khi đó, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đặt mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15 – 20%/năm; năng suất lao động của doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5 đến2 lần;…
 
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, phát triển đổi mới, tăng cường nhập khẩu các công nghệ…; Việc hỗ trợ thông qua các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trực thuộc Bộ KH&CN, hay các quỹ đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Cùng với đó là tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm và nghiên cứu khoa học mạnh tại các trường, viện nghiên cứu trọng điểm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm chủ công nghệ mới thông qua hợp tác, nhập khẩu và đổi mới công nghệ. Sớm ban hành cơ chế, chính sách về tài chính hỗ trợ triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia. Cần xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu về chuyên gia, công nghệ trong nước và nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiếp cận công nghệ mới của doanh nghiệp. Bổ sung quy định ưu đãi đối với sản phẩm được tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ. Sớm hoàn thiện các quy định về quản lý để doanh nghiệp được tham gia các chương trình hỗ trợ của nhà nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của nền kinh tế.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao những chia sẻ của các đại biểu, doanh nghiệp. Thông qua Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về vai trò, kinh nghiệm, sự kết nối giữa các trường đại học, các chuyên gia và mạng lưới tri thức người Việt Nam ở nước ngoài. Với tiềm năng khơi mở, nhiều hoạt động hợp tác như tìm kiếm chuyển giao công nghệ quốc tế. Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học ngày hôm nay là thông tin tham khảo quan trọng, làm sao để doanh nghiệp coi đổi mới công nghệ là nhiệm vụ sống còn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ.

Về định hướng của Bộ KH&CN trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu, trường đại học phải là chủ thể nghiên cứu mạnh, để làm sao có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu vào doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.