Cải thiện chất lượng thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vươn lên

Nếu chất lượng thể chế kinh tế không tốt sẽ có nguy cơ tạo ra tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế...
 

Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết được xây dựng trên tinh thần kế thừa thành tựu của giai đoạn trước; đồng thời, đề ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để tạo sức bật cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời phấn đấu đạt mục tiêu có khoảng 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025.

Đánh giá về tính khả thi và kế hoạch thực hiện các mục tiêu này, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế một cách vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở kế thừa và phát triển những thành tựu trước đó là chủ trương đúng đắn mà Quốc hội đề ra.
 

Cải cách thể chế kinh tế là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh họa.
 

Theo đó, Nghị quyết ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có dư địa lớn và khả năng bắt kịp, tiến cùng, vượt lên ở khu vực, thế giới. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. 

Cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh kinh tế đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn...

Nghị quyết hướng tới mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch 2021-2025 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lớn mạnh của lực lượng doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp thì hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp cũng là điều vô cùng quan trọng.

Nếu chất lượng thể chế kinh tế không tốt sẽ có nguy cơ tạo ra tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đó là làm gia tăng chi phí; tạo thêm rủi ro; hạn chế sáng tạo, năng động; hạn chế hoặc làm méo mó cạnh tranh. Khi tạo ra thể chế thuận lợi sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển và vươn lên trong bối cảnh hiện nay.

“Tôi đánh giá rất cao và tin tưởng vào các chủ trương cùng giải pháp thực hiện, bởi hơn lúc nào hết, đây là lúc cần tập trung tổng lực để vực dậy nền kinh tế”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Phòng cũng cho biết, do môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định và trước những bất ổn, khó đoán định của đại dịch toàn cầu nên các doanh nghiệp cần theo dõi, bám sát để thích ứng và điều chỉnh cho phù hợp. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp cần phải được chú trọng bởi điều đó liên quan tới những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp...