Thông tin được ông Christian Manhart, trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam chia sẻ tại Lễ hưởng ứng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - nền tảng thúc đẩy phát triển quốc gia hiện đại" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 20/4.
Các lĩnh vực STEM gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ông Manhart gọi đây là những vườn ươm đặc biệt quan trọng cho sự đổi mới trong tương lai.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao chính phủ trong việc nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ở đó việc giáo dục ngày càng được chú trọng. Ông gợi ý cần có diễn đàn giúp thanh niên được nói lên tiếng nói của mình và hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến. "Chúng ta cần đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi người tham gia và giải phóng tiềm năng to lớn của Việt Nam để có thể trở thành trung tâm sáng tạo và đổi mới", ông nói.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết có nhiều hoạt động được triển khai thời gian qua.
Trong đó, Việt Nam đẩy mạnh khai thác và ứng dụng sức mạnh của trí tuệ, mô hình khoa học và công nghệ góp phần tạo ra giá trị gia tăng, giải quyết các thách thức. Thứ trưởng cho rằng, việc xây dựng và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng đổi mới sáng tạo, công nghệ, đẩy mạnh thương mại hóa, khai thác và phát triển quyền sở hữu và tài sản trí tuệ, hình thành trung tâm, mạng lưới đổi mới là nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng cần thực hiện.
Với mong muốn nâng cao nhận thức về vai trò đổi mới sáng tạo và tận dụng sức mạnh khoa học, công nghệ, Thứ trưởng mong muốn nhận được đóng góp và hiến kế từ các chuyên gia, nhà khoa học.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn nói về hoạt động thí điểm hợp tác xây dựng hệ sinh thái trong trường đại học gắn với doanh nghiệp.
Theo đó ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã thí điểm chính sách liên kết 3 nhà và thành lập doanh nghiệp spin-off, thu hút đầu tư hình thành doanh nghiệp. Trường cũng hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và phòng thí nghiệm trọng điểm.
PGS Sơn cho biết, việc đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh không dừng ở công bố quốc tế mà định hướng sản phẩm ứng dụng và triển khai thương mại hóa. Ngoài việc kết nối và tìm nguồn lực ngoài ngân sách, nhà trường còn đặt hàng và kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp, đầu tư doanh nghiệp spin-off. Các kết quả nghiên cứu được trường đưa vào giải quyết bài toán của doanh nghiệp do chính các cựu sinh viên là doanh nhân. Để tháo gỡ nhiều điểm vướng trong thí điểm thương mại hóa, ĐHQG Hà Nội đề xuất cho phép viên chức sang quản lý doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật.
Tại sự kiện các chuyên gia cũng góp ý việc xây dựng đổi mới sáng tạo dựa trên tiềm lực khoa học công nghệ địa phương, thúc đẩy đổi mới lấy doanh nghiệp làm trung tâm, huy động trí thức chuyên gia, thu hút đầu tư mạo hiểm và thúc đẩy khởi nghiệp doanh nghiệp đưa sáng chế ra thị trường.
Tin mới
- Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - 23/05/2023 03:21
- Thư Chúc mừng của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 - 18/05/2023 05:53
- Cà Mau: Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, thử nghiệm vào sản xuất và đời sống. - 17/05/2023 02:21