Hưởng ứng Tuần lễ Đổi mới sáng tạo thế giới từ 14-21/4/2022, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các địa phương thuộc Khu vực Mekong và các đối tác liên quan tổ chức Chương trình công bố sáng kiến Mekong Innovation Initiative (MII), ngày 05/4/2022 tại Hội trường Khách sạn Mường Thanh đã tổ chức thành công Hội nghị “Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số cho Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Initiative - MII) nhằm tìm kiếm, quy tụ các giải pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực số với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Mekong. Sáng kiến được khởi xướng bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với sự phối hợp của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hòa Kỳ (USAID) và các đối tác trong, ngoài nước.
Ông Vũ Quốc Huy (GĐ.Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia) Giới thiệu về Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Initiative - MII). Nội dung chủ yếu như sau:
Mục tiêu chung: (i) Hỗ trợ phát triển kinh tế cho khu vực Mekong: Nông nghiệp, Du lịch, Giáo dục, Tài chính, Công nghệ… (ii) Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ tại khu vực Mekong, nhằm đưa Mekong trở thành tâm điểm thu hút các nguồn lực, giải pháp đổi mới sáng tạo trên thế giới. (iii) Thúc đẩy, nâng cao nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. (iv) Phát triển bền vững về môi trường và bình đẳng giới.
Mục tiêu cụ thể:
(i) 100 chuyên gia thương mại điện tử được tập huấn; 300 người lao động được đào tạo nâng cao, đào tạo lại về AI, Machine Learning, dữ liệu lớn, thương mại điện tử;
(ii) 200 học viên là phụ nữ và các đối tượng thuộc nhóm yếu thế được đào tạo về kỹ năng số;
(iii) 500 gói dịch vụ tra cứu thông tin doanh nghiệp ở nước ngoài miễn phí nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu và hợp tác thương mại;
(iv) 500 website được xây dựng miễn phí cho người dân và doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của Mekong trên nền tảng số.
(v) 5.000 suất học bổng đào tạo về công nghệ thông tin cho sinh viên và người lao động;
(vi) 3.000 nông dân, tiểu thương được đào tạo miễn phí, hỗ trợ chuyển đổi số và bán hàng trên mạng xã hội, các kênh trực tuyến.
(vii) 500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp xây dựng, phát triển không gian số doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ VR/AR để quảng bá, kết nối giao thương.
(viii) 200 doanh nghiệp được truyền thông miễn phí trên hệ thống hơn 2500 biển bảng tại sân bay, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng…
(ix) 800 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, cấp kinh phí để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử, sử dụng khu làm việc chung, xúc tiến thương mại và đầu tư, phát triển thị trường quốc tế theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia vào cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
(x) Tài trợ tài chính lên đến 200.000USD /doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tác động tốt đối với xã hội.
(xi) 100 hoạt động xây dựng, phát triển các Trung tâm,tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại khu vực Mekong.
(xii) 13 tỉnh/thành phố được tư vấn việc lồng ghép đổi mới sáng tạo trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công.
Phát biểu bế mạc, Ông Trần Duy Đông (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL theo chủ trương, định hướng quy hoạch phát triển vùng đã được Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương trong vùng các nội dung sau: (i) Tiếp tục phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TT. ĐMST Quốc gia, USAID và các đối tác để sớm xây dựng và triển khai Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong, trong đó tập trung vào phát triển nguồn nhân lực số, trang bị công nghệ, kỹ năng số cho doanh nghiệp và người lao động khu vực ĐBSCL. (ii) Đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của địa phương, chủ động huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao TT. ĐMST Quốc gia là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương để triển khai nhiệm vụ.