TPHCM: Kinh tế số (KTS) - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn thành phố

Cần xác định chủ thể chính của kinh tế số là doanh nghiệp, từ đó thiết lập khung chính sách tích hợp nhưng linh hoạt, nhằm tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu các tác động tiêu cực

Sáng 25-3, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp tổ chức tọa đàm "Kinh tế số (KTS) - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn thành phố". Tọa đàm nhằm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN)… để hoàn thiện báo cáo đánh giá đóng góp của KTS trong GRDP thành phố cũng như chính sách hỗ trợ DN trong ngành.

Giải pháp phục hồi kinh tế

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng nhìn nhận chúng ta đang chứng kiến sự chuyển động nhanh như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tác động đến mọi mặt và thúc đẩy sự phát triển với tốc độ chưa từng có của kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất.

"Kỷ nguyên số đã bắt đầu và dần dần thay thế con người trong những công việc nặng nhọc, độc hại, nhàm chán" - ông Lâm Đình Thắng đánh giá.

Theo ông Thắng, dù còn nhiều cách hiểu khác nhau nhưng nhìn chung, KTS làm gia tăng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng cho các nền kinh tế. Bên cạnh đó, KTS còn có ý nghĩa rất nhân văn là tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn, góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội, tăng sự tham gia của người dân, DN vào việc hoạch định chính sách…

TP HCM tiên phong trong việc xây dựng Chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, với nhiều tiềm năng phát triển KTS để đạt các mục tiêu đề ra. Giám đốc Sở TT-TT dẫn chứng TP HCM là một trong những địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất nước; hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn; xu hướng số hóa, làm việc, học tập từ xa ngày càng phổ biến; các ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống phát triển nhanh chóng...

"Tọa đàm này vừa là một cột mốc trong quá trình phát triển KTS của thành phố, vừa là khởi đầu cho những hoạt động tiếp theo mà trọng tâm là Chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ DN công nghệ, Diễn đàn Kinh tế thành phố với chủ đề KTS diễn ra vào tháng 4..." - ông Thắng thông tin.

Báo cáo đề dẫn, Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường cho hay Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI đã xác định một trong các giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh chuyển đổi số. Do đó, việc tính toán để có con số đóng góp cụ thể của KTS đến thời điểm hiện tại đang là mối quan tâm của thành phố.

TP HCM xác định một số nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển KTS, trong đó có hỗ trợ DN chuyển đổi số, phát triển KTS dựa trên đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ DN phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các DN, từ DN hạ tầng, dịch vụ công nghệ số hay nội dung số. Hiện 10 ngành được thành phố ưu tiên chuyển đổi số là: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: PHAN ANH

Cần khung chính sách linh hoạt

Nhiều ý kiến cho rằng để thúc đẩy KTS, cần xác định chủ thể chính là DN, từ đó thiết lập một khung chính sách tích hợp nhưng linh hoạt, nhằm tối đa hóa lợi ích, giảm thiểu tác động tiêu cực.

TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm - ĐHQG TP HCM, nhấn mạnh trung tâm của phát triển KTS là DN. Do đó, để phát triển KTS thành công, cần xây dựng mục tiêu rõ ràng về việc hình thành bao nhiêu DN trong lĩnh vực KTS, đóng góp doanh thu lợi nhuận ra sao và trong khoảng thời gian nào.

Về những việc cần làm cụ thể, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng đầu tiên cần thiết kế những phòng thí nghiệm hay trung tâm chuyển đổi số, KTS đặt tại các trường ĐH hoặc các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) lớn. Trong đó, nhà nước sẽ bỏ tiền đầu tư hạ tầng số. Quan trọng hơn cả là quy tụ được những nhóm chuyên gia thuộc các lĩnh vực: Kỹ thuật số, thương mại điện tử, an ninh mạng, Fintech, ngân hàng, chính sách... Tiếp theo, cần hình thành những vườn ươm khởi nghiệp với vai trò ươm tạo những ý tưởng kinh doanh.

Hiện Khu Công nghệ phần mềm - ĐHQG TP HCM có vườn ươm với 50-70 DN được ươm tạo mỗi năm. Sau 2-3 năm, khoảng 5%-10% số này có khả năng "sống sót" nhưng chỉ có một DN có thể trở thành DN triệu đô. "Với xác suất rủi ro cao, các mô hình vườn ươm cần có sự hỗ trợ của nhà nước với vai trò bà đỡ chính sách để có thể phát triển" - TS Trương Minh Huy Vũ đề xuất. Đặc biệt, khi các vườn ươm khởi nghiệp phát triển thành các trung tâm khởi nghiệp, cần sự gắn kết với những "đại bàng" - DN lớn trong lĩnh vực số trong nước - như Viettel, VNPT, FPT... và các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Vũ cũng đề xuất nên xây dựng nhóm chuyên gia về KTS để tư vấn cho TP HCM.

Ở góc độ DN công nghệ thông tin, ông Mai Hải An, Phó Chủ tịch Liên minh DN Công nghiệp số Việt Nam, cho rằng việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và DN sẽ tạo ra nguồn nhân lực KTS dồi dào. "Vấn đề làm sao thúc đẩy mối liên kết này" - ông An đặt vấn đề và nói TP HCM cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ như xúc tiến thương mại, tiếp cận dự án công, hỗ trợ chính sách vay vốn… cũng cần được quan tâm để thúc đẩy DN chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Kỹ thuật hệ thống Công ty CP Viet Lotus, TP HCM - đề nghị cần nhanh chóng cụ thể hóa cơ chế thí điểm liên quan mô hình trung tâm tài chính quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như ngân hàng, công nghệ... "Cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển. Trong đó, lưu ý các chính sách giúp DN kết nối hiệu quả hơn với giới chuyên gia để giải quyết vấn đề vướng mắc, qua đó hình thành sản phẩm, mô hình mới có tính đột phá nhanh nhất" - ông Nhân nêu quan điểm.

Kết luận tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM Trần Hoàng Ngân cho biết viện và Sở TT-TT sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện, báo báo UBND thành phố.