Thương mại điện tử ở các doanh nghiệp hoạt động khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây, có sức lan truyền nhanh và đạt được những thành công lớn trong cả nước. Thế nhưng, hoạt động bán hành thông qua kênh thương mại điện tử tại Đồng Nai vẫn còn khoảng cách khá xa so với thành phố Hồ Chí Minh. Để thúc đây phát triển thương mại điện tử, trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương gì, thực hiện như thế nào và định hướng trong thời gian tới ra sao để hòa vào nhịp phát triển chung về thương mại điện tử của cả nước và quốc tế?
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các nội dung có liên quan đến phát triển thương mại điện tử, Sở Công thương tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các nội dung trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các website và bản tin chuyên ngành để các doanh nghiệp trên địa bàn có thể nắm bắt thông tin, đăng ký tham gia các chương trình do Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và các sàn thương mại điện tử có uy tín tổ chức. Chương trình phát triển thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh tuyên truyền trên các cơ quan báo, đài địa phương thông qua các nhóm chủ đề cụ thể như: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiệu quả ứng dụng thương mại điện tử, đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực thương mại điện tử…
Trong năm 2019, tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về thương mại điện tử giành cho đối tượng là quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh. Các lớp tập huấn tập trung phổ biến, hướng dẫn các chương trình hỗ trợ của nhà nước về thương mại điện tử, tác động của thương mại điện tử tới thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán qua mạng và hiệu quả ứng dụng thương mại điện tử, các kênh truyền thông trực tuyến và lập kế hoạch marketing online, hướng dẫn thanh kiểm tra và xử lý pháp luật trên lĩnh vực thương mại điện tử, hành trình kết nối khách hàng đối với mua sắm online….Thông qua các lớp tập huấn đã tạo cơ hội cho đội ngũ quản lý nắm vững kiến thức pháp luật trên lĩnh vực thương mại điện tử cũng như chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực này. Giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội hiểu và thực hiện các phương án kinh doanh thương mại điện tử, ứng dụng các mô hình về thương mại điện tử, gặp gỡ, giao lưu và tìm cơ hội khởi nghiệp.
Theo anh Phan Kiên Cường, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp công nghệ ThoMi, một trong những đơn vị đang thành công với những dự án khởi nghiệp bằng công nghệ thông tin trên lĩnh vực thương mại điện tử tại Đồng Nai cho biết, chúng tôi sáng tạo và tung ra thị trường những dự án công nghệ số hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Bước đầu, các giải pháp được các doanh nghiệp và người tiêu dùng đón nhận, ở thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, thương mại điện tử sẽ là giải pháp phát triển tất yếu, phát triển bền vững trong thời gian tới. Được biết, Công ty TNHH giải pháp công nghệ ThoMi ghi dấu ấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực công nghệ thông tin năm 2019 với giải pháp “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ blockchain”. Hiện giải pháp đang hỗ trợ đắc lực cho việc truy xuất nguồn gốc phát triển kinh doanh một số đặc sản nông nghiệp vùng trên cả nước.
Nhằm hỗ trợ thương nhân tăng cường quảng bá sản phẩm, nâng cao nặng lực cạnh tranh trên môi trường internet, trong năm 2019, tỉnh Đồng Nai cũng đã thực hiện hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử xây dựng website cho 5 thương nhân trên địa bàn: Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (TP. Long Khánh); Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán); Vang Thanh Long Anna (huyện Thống Nhất); Phở Hoàng Hằng (huyện Thống Nhất). Sở Công thương cũng tiến hành tập huấn bồi dưỡng công tác quản trị, duy trì hoạt động, cập nhật hình ảnh, thông tin sản phẩm lên website của thương nhân được Sở Công thương hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử xây dựng website, tiến hành bàn giao và đi vào hoạt động. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử uy tín, phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức chương trình Hội nghị đưa sản phẩm đặc sản vùng miền của Đồng Nai lên “Sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart”, tham gia hội thảo “Thương mại điện tử -Giải pháp tạo bứt phá cho doanh nghiệp”.
Năm 2019, kết quả khảo sát dựa trên 4 nhóm tiêu chí lớn gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp (G2B) cho thấy, chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai xếp hạng thứ 7 toàn quốc với 51,7 điểm, tăng 3,5 điểm, Đồng Nai nằm trong tốp những địa phương đạt chỉ số cao từ 50/100 điểm trở lên, xếp sau các địa phương như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...Để thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho rằng, tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử, tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách hoàn thiện, phối hợp các sở ngành giảm tải thủ tục hành chính phức tạp, tạo động lực cho các doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường mua bán thông qua kênh thương mại điện tử.
Tin mới
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thăm và làm việc tại Cần Thơ - 28/04/2021 09:17
- Nhiều sản phẩm KH&CN lĩnh vực chăn nuôi được chuyển giao thành công vào sản xuất - 25/02/2021 05:56
- Khảo sát nhu cầu tham gia chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt - 05/03/2020 23:37