Hội thảo khoa học "đổi mới công nghệ, thị trường và chính sách"

Ngày 01/7, Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) với tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về tài chính, kế toán và kinh doanh thương mại (CFAC 2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề “đổi mới công nghệ, thị trường và chính sách”.

Hội thảo có sự tham dự của Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ, NGND.GS.TS. Nguyễn Thanh Tuyền – Chủ tịch Hội Đồng Khoa học và đào tạo, Tổng biên tập Tạp chí Phát triển và hội nhập UEF; PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực UEF cùng các nhà khoa học, các lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm. 

Chương trình hội thảo diễn ra trong hai ngày 01-02/7 với 4 phiên báo cáo khoa học trực tuyến trong các lĩnh vực: Kế toán, Kinh doanh thương mại, Du lịch và Tài chính. Hội thảo trao đổi các hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài chính – kế toán và thương mại hiện nay của Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam; tập trung vào các vấn đề đổi mới công nghệ, mô hình phát triển thị trường và dịch vụ, góp phần định hướng thay đổi chính sách nhằm mục tiêu phát triển các hoạt động kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, hội thảo thảo luận nâng cao và phát triển các công bố khoa học trong lĩnh vực kinh tế xã hội, ứng dụng các mô hình nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống, đưa khoa học và ứng dụng trở thành hoạt động phổ quát và hòa nhịp vào tính vận động và phát triển của cuộc sống hiện đại.

Trong phiên hội thảo về Kinh doanh thương mại, các nhà khoa học đã phân tích các xu thế kinh tế số trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, các lợi ích của công nghệ chuyển đổi số cho mô hình kinh tế của Việt Nam. Tiến sĩ Lưu Thị Thanh Mai - Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng nêu lên một vần đề quan trọng trong đào tạo và nâng cao năng lực của con người đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ số hóa.

Trong phiên kế toán và kiểm toán, bà Lê Thị Hậu - Giám đốc phát triển hội viên khu vực Đông Nam Á ACCA Việt Nam đã nêu các vấn đề được đặt ra tập trung vào phân tích về sự ảnh hưởng của những ứng dụng Blockchain, Drone Technology, Natural language processing, Data analytics, AI and Machine learning trong các công tác đánh giá rủi ro, tiên lượng xu thế kinh tế và đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ.

TS. Nguyễn Thanh Huyền đến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phân tích chi tiết về vấn đề thao túng thị trường chứng khoán hiện nay trong phiên báo cáo về Tài chính, đây là một trong những khó khăn cần tháo gỡ và giải quyết của nhà nước trong phát triển thị trường số hóa. Ngoài ra, các tham luận của phiên này còn tập trung các vấn đề tài chính trong an sinh xã hội và bảo hiểm tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Lưu (Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Tổng cục Du lịch) và ThS. Lê Thị Giang đã nêu các vấn đề quan trọng và cáp bách đã được đặt ra trong phiên báo cáo khoa học về Du lịch là sự chuyển đổi trạng thái các hoạt động du lịch của Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh, các cơ hội đồng hành cùng rủi ro trong quá trình phát triển và nâng cao chất lượng du lịch nội địa, một trong những lĩnh vực tiềm năng mang lại giá trị thặng du cao cho nền kinh tế nước ta.

Tại phiên toàn thể, ông Nguyễn Mạnh Cường với phát biểu tổng kết hội thảo đã nêu bật lên vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh doanh và thương mại; Ông nhấn mạnh sự nỗ lực của Đại học Kinh tế Tài chính trong quá trình phối hợp tổ chức hội thảo trong hoàn cảnh rất đặc biệt của đất nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng khi đang có sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến toàn bộ kinh tế và xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng nêu rõ hội thảo là sự hòa quyện và nhúng công nghệ vào kinh tế, là quá trình tất yếu của sự phát triển bền vững; ông cho rằng nếu như khoa học tự nhiên và công nghệ cao mang lại các thành tựu bất ngờ thì khoa học xã hội mang lại những giá trị tốt đẹp, văn minh và hài hòa giữa con người và tự nhiên.

Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam, đã nêu quan điểm của đơn vị quản lý ngành khu vực phía Nam về trách nhiệm phối hợp và tổ chức các hoạt động khoa học và công nghệ, không những trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, mà còn trong cá lĩnh vực khoa học xã hội và kinh tế tài chính – thương mại. Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Cường mong muốn đồng hành cùng các trường viện, các doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình hoạt động gắn kết và phát huy kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống, chia sẻ nguồn tải nguyên và lợi ích kinh tế nhằm góp phần phát triển cuộc sống hài hòa, cân bằng và bền vững.

Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ