Tỉnh Cà Mau: Nhu cầu ứng dụng KH&CN phát triển kinh tế địa phương là rất lớn

Thực tế tại Cà Mau hiện nay, nhu cầu ứng dụng KH&CN đối với phát triển kinh tế địa phương là rất lớn. Tỉnh rất cần sự hỗ trợ cấp bách từ Trung ương trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển, phát triển kinh tế nông thôn của hai vùng hệ sinh thái ngọt mặn cũng như cơ chế hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Ngày 17/9/2019, đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) dẫn đầu đoàn công tác Bộ KH&CN đã thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Tiến Hải - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; đồng chí Phạm Bạch Đằng - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Cà Mau, đồng chí Thân Đức Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh. 

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Thân Đức Hưởng cho biết: Giai đoạn 2016-2018, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt hồ sơ triển khai 21 nhiệm vụ (đề tài/dự án KH&CN), nghiệm thu 46 nhiệm vụ khác, trong đó nông nghiệp chiếm 60%, khoa học kỹ thuật chiếm 15,2 %. Trong số đó rất nhiều đề tài/dự án đã chuyển giao ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn đời sống. Đối với cấp huyện, thành phố, đã có 79 dự án KH&CN được triển khai, nội dung đa dạng với nhiều đối tượng cây trồng vật nuôi, trong đó có 60 dự án nghiệm thu đều được tiếp tục nhân rộng.

Báo cáo cũng nêu bật những ứng dụng tiêu biểu như: Điều tra khảo sát thực trạng và diễn biến địa hình đới bờ biển Tây; Xây dựng mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực tại xã Tân Bằng, Thới Bình và Khánh Thuận (huyện U Minh); Chọn giống lúa chịu mặn, năng suất cao tại tỉnh Cà Mau; Phục tráng 6 giống lúa mùa (Một bụi đỏ, Một bụi lùn, Tép hành, Tài nguyên, Ba bông mẵn, Một bụi bờ liếp); Đánh giá tác động keo lai đến nguồn lợi cá đồng, mật ong vùng U Minh hạ; Ứng dụng công nghệ giống invitro, tạo giống cây sạch bệnh trên cây lâm nghiệp.

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng bảo hộ được 13 nhãn hiệu (10 nhãn hiệu tập thể và 3 nhãn hiệu chứng nhận) và hiện đang tiếp tục xây dựng 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Sở KH&CN đã hướng dẫn cho hơn 1.000 tổ chức, cá nhân nộp đơn bảo hộ và được Cục sở hữu trí tuệ cấp 801 giấy chứng nhận bảo hộ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn tồn tại nhiều khó khăn do số lượng đăng ký nhiệm vụ KH&CN giảm so với trước. Việc duy trì  đề tài, dự án sau khi kết thúc hỗ trợ còn gặp khó do không bố trí được nguồn kinh phí; công tác quản lý, phát triển các nhãn hiệu bảo hộ chưa đạt hiệu quả cao. Việc liên kết sản xuất, hợp tác đầu tư, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất gắn với liên kết chuỗi giá trị trong khai thác, sử dụng và phát triển nhãn hiệu còn nhiều bất cập; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, bao bì, mẫu mã, dán tem truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm đúng mức. Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định, Cà Mau đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 khóa XI của Ban Chấp hành T.Ư và Chương trình hành động số 21-Ctr/TU ngày 28/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện luôn bám sát qui hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, gắn liền với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các chương trình trọng điểm cấp quốc gia của tỉnh. Việc ứng dụng KH&CN hiệu quả đã tạo động lực, đòn bẩy cho Cà Mau phát triển kinh tế nông thôn, tác động mạnh và tích cực đến tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thực tế Cà Mau hiện nay, nhu cầu ứng dụng KH&CN đối với phát triển kinh tế địa phương là rất lớn, nhất là trong các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tạo lập và phát triển thương hiệu của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương như Chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua Cà Mau; Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chuối xiêm Cà Mau, gỗ… Trong đó, tỉnh rất cần sự hỗ trợ cấp bách từ Trung ương trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển, phát triển kinh tế nông thôn của hai vùng hệ sinh thái ngọt mặn, cơ chế hỗ trợ khoa học kỹ thuật các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Cà Mau như nuôi tôm, cua.

“Chúng tôi mong muốn sẽ có sự liên kết, hỗ trợ từ phía Bộ KH&CN trong điều phối liên ngành, ban hành quy định về chính sách triển khai và cơ chế tài chính để ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN sau khi được đánh giá nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng vào thực tế” - Phó Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản, Khu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao... tại tỉnh Cà Mau.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh biểu dương Cà Mau đã thực hiện nghiêm túc, vận dụng năng động, sáng tạo và có hiệu quả tinh thần Nghị Quyết 20-NQ/TW, đưa KH&CN vào phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, Cà Mau tuy có lợi thế về tự nhiên (là 1 trong 4 tỉnh/thành phố vùng kinh tế động lực của Đồng bằng sông Cửu Long) nhưng hoạt động KH&CN phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Cà Mau cần tập trung vào một số sản phẩm là thế mạnh của tỉnh có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao để định hướng đầu tư, phát triển. Bộ trưởng cũng yêu cầu các vụ, tổng cục nghiên cứu 13 đề xuất của Cà Mau để sớm có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để Cà Mau đưa nhanh ứng dụng KH&CN vào thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là nghiên cứu khu công nghiệp công nghệ cao, các vấn đề về sở hữu trí tuệ, kiểm soát chất lượng các sản phẩm kinh tế chủ lực.