Ngày 6/9, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn, hướng đến trở thành trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng nhiều lãnh đạo bộ ngành khác đã tham dự.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo các bộ ngành tham quan Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn, chiều 6/9. Ảnh: BTC.
Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) do Khu công nghệ cao TP HCM phối hợp với Tập đoàn Sun Electronics và Synopsis thành lập trên cơ sở hợp nhất trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch (SCDC) thành lập tháng 8/2022 và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC) hoạt động hồi tháng 3. Theo Khu công nghệ cao TP HCM, việc hợp nhất hai tổ chức này nhằm mở rộng hợp tác thành một đơn vị đào tạo vi mạch có quy mô đủ lớn có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai. Ngoài ra ESC sẽ là đơn vị tổ chức chương trình ươm tạo vi mạch nhằm hướng đến hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Sẽ không có một ngành công nghiệp điện tử mạnh nếu không xây dựng được một ngành công nghiệp về vi mạch, bán dẫn. Công cuộc phát triển còn nhiều gian nan, sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt. Để phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, điều quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chọn các giải pháp khoa học nhất, hiệu quả nhất. Tức là phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản, phải hiểu về công nghệ lõi. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ có thay đổi, bổ sung luật về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Chính phủ cam kết đầu tư các nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, đầu tư cho tương lai".
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có các cơ chế chính sách phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, ưu đãi các nhà đầu tư… Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách để phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, có thể phát triển thêm các khu khác để phát triển các ngành công nghệ cao nói chung và trong đó có vi mạch, bán dẫn. TP.HCM cũng tiếp tục thí điểm các chính sách để hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu phát triển.
Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM Nguyễn Anh Thi cho biết việc thành lập các mô hình SCDC và IETC trước đây là bước chuẩn bị hết sức quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược là công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn trong năm 2023.
Với mục tiêu hình thành một đơn vị đào tạo quy mô đủ lớn có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện thu hút các chương trình hợp tác quốc tế trong tương lai, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM quyết định hợp nhất SCDC và IETC thành ESC. Việc hợp nhất này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan vì các ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau.
Trong định hướng phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn, SHTP trọng tâm thu hút đầu tư và định vị vai trò của ESC trong tổng thể định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng này. Mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam giai đoạn tới là phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh; việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải có chủ đích và được chọn lọc nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước. Những năm tiếp theo, SHTP hướng đến mục tiêu góp phần thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.
Hiện cả nước có 40 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực vi mạch trong đó có 38 doanh nghiệp FDI và hai doanh nghiệp lớn trong nước là FPT và VNPT.