Ngày 7 tháng 6 năm 2022, Đại học RMIT tổ chức buổi Toạ đàm chuyên sâu về các chủ đề trên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tọa đàm với sự hiện diện của ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam cùng các đại diện cấp cao của Chính phủ Australia và Việt Nam; lãnh đạo các ngành, các hiệp hội liên quan; lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty đa quốc gia và các tập đoàn tư nhân.
Sau 20 năm phát triển tại Việt Nam, Đại học RMIT mong muốn có thêm cơ hội để tạo ảnh hưởng và hỗ trợ Việt Nam đạt nhiều kết quả trong nền Công nghiệp 4.0. RMIT đang xây dựng chiến lược tăng trưởng của mình theo nhu cầu của ngành và trên cơ sở đó, tăng mức đầu tư vào Việt Nam. Để chuẩn bị cho chiến lược tăng trưởng tại Việt Nam, Đại học RMIT mong muốn nhận được sự tham vấn từ các Doanh nghiệp, Tổ chức và Cá nhân có tầm ảnh hướng trong xã hội về chiến lược tăng trưởng của RMIT trong các lĩnh vực trọng tâm sau:
- Công nghiệp 4.0 (Sản xuất tiên tiến, Tự động hóa, AI, Blockchain, Fintech, EdTech, …)
- Kinh tế kỹ thuật số (Chuyển đổi kỹ thuật số, nền kinh tế biểu diễn, nền kinh tế chia sẻ, CNTT-TT…)
- Các ngành sáng tạo (Truyền thông, báo chí,..)
- Phát triển bền vững (Đô thị thông minh, năng lượng sạch…)
Ông Nguyễn Mạnh Cường cùng các chuyên gia và lãnh đạo trường trao đổi tại buổi tọa đàm
Sau khi nghe các lãnh đạo cấp cao của RMIT đã trình bày xu hướng tương lai trong ngành giáo dục cũng như tương lai của thế giới việc làm trong các lĩnh vực nói trên, các đại biểu đã tập trung vào việc: Nhận phản hồi chung và hiểu biết chuyên sâu từ các đối tác trong ngành trong lĩnh vực Công nghiệp 4.0 và Kinh tế số; Chia sẻ kế hoạch tăng trưởng của ĐH RMIT và xác thực các chiến lược tăng trưởng liên quan đến Công nghiệp 4.0 và Kinh tế số, cụ thể về: (i) Chương trình giảng dạy và chương trình phát triển cho giáo dục đại học, với trọng tâm vào lĩnh vực STEM (ii) Các cách tiếp cận đổi mới để có thể đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng tăng của lực lượng lao động chất lượng cao ở Việt Nam và trong khu vực, (iii) Hợp tác nghiên cứu, và (iv) Sự sẵn sàng của RMIT về nhân lực và cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu tăng trưởng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, để Đại học RMIT phát triển tại Việt Nam trong những năm tới đây thì cần tập trung vào các hoạt động sau: Về Giáo dục đại học cần tập trung vào phát triển các lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật, mở rộng đầu tư 2 lĩnh vực Master of AI, Master of Cyber Security và lắng nghe nhu cầu thị trường; Về Nghiên cứu, tận dụng thế mạnh Nghiên cứu của ĐH RMIT Melbourne, để mang các chương trình Nghiên cứu tầm cỡ thế giới với các đối tác lớn để ứng dụng tại Việt Nam, giúp nâng tầm Nghiên cứu ứng dụng của Việt Nam. Nên kết hợp với các Bộ ngành, Doanh nghiệp, cùng tiếp cận các Quỹ hỗ trợ của Chính phủ cho Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo. Năm 2022, chi cho khoa học công nghệ dự tính là 9.140 tỷ đồng, tính trên tổng chi của Ngân sách Trung ương là 841.310 tỷ đồng, chiếm 1,086%. RMIT có rất nhiều uy tín, danh tiếng, phải cùng đồng hành với Chính phủ và Doanh nghiệp, để thúc đẩy Nghiên cứu và phát triển Công nghiệp 4.0; Với gần 355 KCN trên cả nước, Việt nam đang thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng, cộng với tác động của Covid, nhiều lao động chọn ở lại địa phương, dẫn đến việc các KCN không đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, đây là bài toán RMIT, với việc xuất phát điểm là 1 trường nghề ở Melbourne, có thể cân nhắc, cùng Chính phủ Việt Nam đưa ra phương án.
Nguồn: Phòng HTPT
Tin mới
- Cuộc thi “Thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Đồng Nai 2022 - 29/06/2022 02:15
- Góc nhìn thực tiễn về giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ Anh tại hội thảo ELER 2022 - 20/06/2022 04:07
- Trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ NAFOSTED - 15/06/2022 03:10