Ngày 18/6, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM (UEF) phối hợp cùng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH) đã tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp quốc gia “English Language Education and Research in the New Normal: Prospects and Challenges - ELER 2022”.
Toàn cảnh hội thảo khoa học quốc gia ELER 2022
Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua Google Meet, với sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Đỗ Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hội đồng trường UEF, PGS.TS. Ngô Cao Cường – Phó Hiệu trưởng thường trực UEF, cùng với đó là đông đảo giảng viên, nhà nghiên cứu và người học đến từ 17 trường đại học phía Nam.
PGS.TS. Ngô Cao Cường phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS. Ngô Cao Cường cho biết: “Với hơn 30 bài tham luận chỉn chu, chất lượng, hội thảo thực sự là diễn đàn khoa học cho các giảng viên, nhà nghiên cứu và người học trao đổi các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh như: ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh và nghiên cứu ngôn ngữ Anh, áp dụng các mô hình giảng dạy ngôn ngữ tiên tiến, tích cực hóa sự tham gia của người học, sự thích ứng của giáo viên lẫn người học trong giai đoạn bình thường mới,… Đặc biệt, hội thảo cũng nhận được sự quan tâm và có bài tham luận của các nhà khoa học đến từ các trường Monash University – Australia và Universitas PGRI Adi Buana Surabaya – Indonesia”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo RLER 2022
Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng nhấn mạnh: "Hội thảo là một đóng góp thiết thực cho ngôn ngữ tiếng Anh tại Việt Nam, có tác động tích cực đến xã hội. Việt Nam hội nhập không chỉ có kinh tế mà còn các lĩnh vực khác của xã hội. Ngôn ngữ chính là cầu nối cho quá trình hội nhập diễn ra thuận lợi và nhanh chóng”.
Hội thảo gồm 2 phiên tổng thể và 6 tiểu ban, với 24 bài tham luận được báo cáo và các bài viết đăng kỷ yếu, hội thảo đã mang đến một cái nhìn thực tế về vấn đề giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ Anh trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đồng thời tạo môi trường nghiên cứu học thuật nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố khoa học cho các giảng viên. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tin mới
- Cung-Cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á: thách thức & giải pháp đối với Tp.HCM - 02/07/2022 03:57
- Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030 - 02/07/2022 03:34
- Cuộc thi “Thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Đồng Nai 2022 - 29/06/2022 02:15