Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cần có mô hình công nghiệp trong nông nghiệp

Chiều 18/12, tại TPHCM, Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA – đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị "Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp (NN) Việt Nam". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp tham dự Hội nghị.

Việt Nam có hơn 70% dân làm NN, nhưng chỉ đóng khoảng 20% GDP trong khi ở những quốc gia phát triển, như Hà Lan, tỷ lệ lao động trong ngành NN chỉ chiếm 2 - 4% dân số, nhưng đóng góp 40% GDP. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, GDP NN Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi NN đang nới rộng. Để có thể thay đổi được điều này, ngành NN Việt Nam cần có một cách nhìn và cách làm khác.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch DAA Việt Nam cho biết - DAA mong muốn đưa ra cách làm mới trong NN theo hướng ứng dụng CNC, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa NN, nông dân. Cách làm mới này sẽ góp phần thay đổi ngành NN Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang NNCNC, từ ngành có giá trị gia tăng và tốc độ tăng trưởng thấp sang ngành có giá trị vượt trội so với các ngành công nghiệp truyền thống và hình thành một chuỗi giá trị NN hiệu quả cạnh tranh cung cấp sản phẩm có chất lượng. Theo ông Bình, những thay đổi này sẽ mang lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và sung túc hơn cho người dân Việt Nam và nâng tầm vị thế của NN Việt Nam trên thế giới một cách bền vững.

Ông Trần Bá Dương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải chia sẻ, NN Việt Nam không thể phát triển hiệu quả nếu không có mô hình công nghiệp trong NN. Trong cơ giới hóa, theo ông Dương, Việt Nam vẫn đang học theo các công nghệ của nước ngoài nhưng không nên mang nguyên xi vào trong nước, vì sẽ không cạnh tranh được. Ông cũng cho rằng hiện nay, chúng ta còn đang ngộ nhận về CNC. Theo ông, CNC là nằm ở tiêu chuẩn của sản phẩm, mà tiêu chuẩn này phải được kiểm soát trong cả một quá trình nuôi trồng. Vì vậy, phải nắm được những tiêu chuẩn này để có công nghệ phù hợp với thói quen canh tác, khí hậu của Việt Nam. 

Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Công ty NafoodsGroup Nghệ An cho rằng, muốn nền NN phát triển thì KHCN cũng phải phát triển. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều các đề tài nghiên cứu ở các viện trường ứng dụng vào trong NN. Vì vậy, rất cần có sự bắt tay giữa ngành NN và các nhà khoa học. DN nên chủ động đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Yếu nhất của Việt Nam hiện nay là thiếu các công nghệ, thiết bị máy móc cho sản xuất NN, đăc biệt là thiết bị sau thu hoạch. Cần có cơ chế phù hợp khuyến khích các DN công nghiệp nhập khẩu công nghệ nước ngoài về giải mã, chế tạo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam – ông Hùng nhấn mạnh. Ông Hùng cũng mong muốn Chính phủ có chính sách đặc biệt cho những DN đầu tư vào NN, NNCNC ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, biên giới. Điều này rất quan trọng, nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp ở những vùng đất khó. NafoodsGroup Nghệ An đầu tư vào những vùng sâu xa, biên giới nhưng vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đặc biệt nào cho Công ty cả - Ông Hùng cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển NNCNC là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thủ tướng đánh giá cao đề xuất của DAA Việt Nam về mô hình phát triển các khu tổ hợp NNCNC và cho biết Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo lập môi trường pháp lý, chính sách đồng bộ thúc đẩy NNCNC phát triển. Thủ tướng cho rằng, không phải địa phương nào được quy hoạch mới được đầu tư vào NNCNC. Thay vào đó, cần phải đảm bảo rằng mọi người nông dân, bất kể vùng miền nào, quy mô nào cũng được khuyến khích đầu tư vào NNCNC. Thủ tướng chấp thuận cho DAA đầu tư khu công nghiệp NNCNC và cho phép mở rộng diện tích nuôi tôm. 

"Việt Nam cần phải có một hàng rào kỹ thuật đúng pháp luật để bảo vệ hàng trong nước không nhập khẩu tràn lan; giải quyết khó khăn về tích tụ ruộng đất, có chính sách cho công nghiệp phát triển phục vụ nông nghiệp; có gói tín dụng phục vụ phát triển NNCNC 50 - 60 ngàn tỷ, với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất và cho nhiều ngân hàng thương mại cũng triển khai" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành cần phải thực hiện trong thời gian tới. Đó là rà soát, hoàn thiện quy hoạch NNCNC theo hướng phát triển bền vững; nghiên cứu các thể chế chính sách ưu đãi cho các khu tổ hợp NNCNC; phát triển ngành cơ khí, khoa học và công nghệ trong nước nhằm giảm giá thành đầu tư cho thiết bị công nghiệp NNCNC. Trong đó, Thủ tướng giao cho Bộ KH&CN hoàn thiện chính sách về thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất NN. Đồng thời, ưu tiên ngân sách cho các nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ sinh học, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin KHCN, sử dụng quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trong hỗ trợ các dự án NNCNC.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp phát triển NNCNC. Đồng thời, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình NNCNC ở tỉnh Lâm Đồng cho các địa phương khác.

Để hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp xanh, tại Hội nghị, DAA đã giới thiệu đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm - “Sử dụng tem thông minh DAA STAMP truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng Thực phẩm an toàn”.  Dự án này sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng đầu vào của chuỗi sản xuất như phân bón, giống, thuốc BVTV. Người tiêu dùng hoàn toàn dễ dàng biết được thực phẩm mình lựa chọn mua có nguồn gốc ở đâu, do ai nuôi trồng, chăm bón như thế nào, doanh nghiệp không bị đánh đồng sản phẩm chất lượng cao với sản phẩm trôi nổi trên thị trường.

Nguồn: Cục Công tác phía Nam.