Cơ hội nhận nguồn tài trợ từ Cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ hai

Ngày 6/5 tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) đã tổ chức Hội thảo Kêu gọi đề xuất Cuộc thi chứng minh ý tưởng (PoC) lần thứ hai với mục tiêu biến các thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội kinh doanh thông qua hỗ trợ toàn diện các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực phát triển xanh và bền vững.

PoC là Cuộc thi được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới từ nguồn của Chính phủ Australia và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, dưới sự quản lý của Bộ KH&CN. Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm các tổ chức, cá nhân có ý tưởng xuất sắc giúp Việt Nam ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Minh Khánh – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN cho biết, Việt Nam đang là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này đặt ra cho chúng ta những thách thức to lớn về việc phát triển bền vững, nhưng cũng đồng thời đem đến cơ hội để chúng ta cải tiến công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạng tranh trong công cuộc đổi mới chung trên toàn thế giới. Trong thời gian qua, VCIC đã triển khai những hoạt động ban đầu nhằm tìm kiếm, lựa chọn và hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng sáng tạo công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc tổ chức Cuộc thi PoC. Trải qua quá trình lựa chọn, đánh giá hơn 300 đề xuất ý tưởng đăng ký tham gia, Bộ KH&CN kết hợp với chuyên gia độc lập của Ngân hàng thế giới đã lựa chọn ra 18 doanh nghiệp có ý tưởng xuất sắc, chứng minh được tác động tích cực của công nghệ đối với tăng trưởng xang và xây dựng nền kinh tế cacbon thấp ở Việt Nam để nhận tài trợ trong đợt đầu. Cuộc thi PoC lần thứ hai này kỳ vọng sẽ có nhiều ứng viên tiềm năng sẽ được nhận hỗ trợ để hoàn thiện, phát triển sản phẩm của mình, đồng thời góp phần giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và góp phần hiện thực hóa Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia – ông Khánh nhận mạnh.

Tại PoC lần thứ nhất (2016), 18 doanh nghiệp đã đạt giải khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam. Một số dự án tiêu biểu được kể đến như: Giải pháp đi chung xe giúp tiết kiệm chi phí giảm lượng xe lưu hành và bảo vệ môi trường (tiết kiệm hơn 1100 tấn CO2 và 12 tỷ đồng cho khách hàng tính đến 4/2017); Hoàn thiện công nghệ sản xuất và thương mại hóa chế phẩm EMIC: bước đầu mỗi năm giúp người dân xử lý được khoảng 600 nghìn tấn phế phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra 300 nghìn tấn phân ủ hữu cơ, giảm 780 nghìn tấn CO2; Chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp: tận dụng nguồn hèm rượu, nước thải sau chưng cất cồn; Dây chuyền máy đúc gạch không nung, thay thế dần các lò gạch thủ công gây ô nhiễm;…

Ông Nguyễn Bình Nguyên, chuyên gia Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) cho biết, thông qua PoC, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sẽ có cơ hội nhận nguồn tài trợ và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phát triển DN toàn diện từ VCIC. Đặc biệt, các ứng viên đạt giải tại PoC sẽ nhận được vốn tài trợ lên tới 75.000 USD cho việc triển khai, mở rộng sản phẩm, dịch vụ; được ưu tiên tiếp cận VCIC và toàn bộ các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển DN, gồm đào tạo, cố vấn, kết nối với các mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, chuyên gia, đối tác, cơ sở vật chất và tiếp cận đầu tư. Nhiều các cơ sở nghiên cứu hay DN rất khó tiếp cận với những trang thiết bị hiện đại ở các phòng thí nghiệm, nhưng tham gia PoC, VCIC có thể tạo điều kiện, hỗ trợ để DN có thể tiếp cận với các Phòng thí nghiệm với chi phí giảm 50 – 100% , ông Nguyên cho biết thêm.

Các ứng viên đáp ứng đủ điều kiện tham gia cuộc thi gồm: các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân, các nhóm hoặc công ty khởi nghiệp, các công ty đang phát triển một sản phẩm mới sáng tạo và các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: năng lượng hiệu quả, nông nghiệp bền vững, công nghệ thông tin liên quan tới công nghệ sạch, công nghệ năng lượng tái tạo, quản lý nước và lọc nước, các lĩnh vực hoặc công nghệ khác liên quan tới biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Tiến, chuyên gia của VCIC lưu ý, các hồ sơ chứng minh ý tưởng cần chú trọng đáp ứng các yêu cầu như: nhấn mạnh được tính đổi mới sáng tạo trong công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mà có thể tạo ra sản phẩm và dịch vụ giúp cho việc thích ứng, ứng phó với các tác động, thách thức của biến đổi khí hậu; tiềm năng nhân rộng và có hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi lớn của các sản phẩm, dịch vụ. các doanh nghiệp được lựa chọn thông qua cuộc thi PoC sẽ được đào tạo theo mô hình quốc tế, phát triển bởi các chuyên gia đến từ ngân hàng thế giới, các trung tâm ươm tạo hàng đầu tại Hoa Kỳ và tham gia mạng lưới quốc tế do Chương trình biến đổi khí hậu của Ngân hàng thế giới.

Các ứng viên có thể đăng ký online tại địa chỉ www.vietnamcic.org/apply, tải mẫu đơn từ trang chủ www.vietnamcic.org và gửi về poc@vietnamcic.org hoặc gửi qua đường bưu điện tới Ban QLDA HTKT Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam, tầng 8 tòa nhà Hoàng Sâm, 260 - 262 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các đề xuất phải đưpực gửi đến chậm nhất là 17h ngày 23/5/2017 bằng cách nộp đơn trực tuyến hoặc email, qua đường bưu điện.

Thông tin chi tiết trên www.vietnamcic.org

Tại PoC lần thứ nhất (2016), 18 doanh nghiệp đã đạt giải khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam. Một số dự án tiêu biểu được kể đến như: Giải pháp đi chung xe giúp tiết kiệm chi phí giảm lượng xe lưu hành và bảo vệ môi trường (tiết kiệm hơn 1100 tấn CO2 và 12 tỷ đồng cho khách hàng tính đến 4/2017); Hoàn thiện công nghệ sản xuất và thương mại hóa chế phẩm EMIC: bước đầu mỗi năm giúp người dân xử lý được khoảng 600 nghìn tấn phế phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra 300 nghìn tấn phân ủ hữu cơ, giảm 780 nghìn tấn CO2; Chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp: tận dụng nguồn hèm rượu, nước thải sau chưng cất cồn; Dây chuyền máy đúc gạch không nung, thay thế dần các lò gạch thủ công gây ô nhiễm;…

Nguồn: Cục Công tác phía Nam.

GÓP Ý KIẾN TẠO

Liên kết website