NUÔI TÔM Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: NÂNG TẦM CHO MÔ HÌNH "TÔM - LÚA" (KỲ 2)

Theo khảo sát, đánh giá tại các địa phương thực hiện mô hình “tôm - lúa”, diện tích nuôi tôm ngày càng được nhân rộng, sản lượng tôm tăng cao, lợi nhuận mang lại cho người dân ổn định. Tuy nhiên, mô hình “tôm - lúa” quy mô nếu so khả năng vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hợp tác; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ; việc áp dụng cơ giới hóa vào quy trình canh tác “tôm - lúa” chưa được nhiều… nên hiệu quả mang lại vẫn chưa như kỳ vọng.

Được mùa cả tôm lẫn lúa

Đến thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định trên một thửa ruộng thì con tôm hay cây lúa có vai trò quan trọng hơn. Nhưng thực tế minh chứng, hiệu quả ổn định về kinh tế, thu nhập của người dân thực hiện mô hình “tôm - lúa” cao gấp từ ba đến bốn lần những mô hình đã thực hiện trước đó. Chính vì vậy, diện tích “tôm - lúa” đã liên tục tăng cao trong những năm gần đây.

Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, quy hoạch đến năm 2020 diện tích “tôm - lúa” vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào khoảng hơn 161.692 ha, nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với 60.075 ha, tiếp theo là Cà Mau 45.857 ha, Bạc Liêu 40.000 ha, Sóc Trăng 7.500 ha. Tuy nhiên, vụ tôm năm nay tại Kiên Giang đã thả nuôi đến hơn 100.000 ha, Cà Mau khoảng 49.000 ha, Sóc Trăng hơn 9.200 ha… vượt cả tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Kiên Giang, nơi có diện tích và tốc độ phát triển mô hình “tôm - lúa” nhanh nhất ĐBSCL, năm nay dự báo người nuôi tôm sẽ được cả mùa lúa lẫn tôm. Ngay huyện An Minh thường xuyên có diện tích thả tôm trên diện tích lúa là 39.017 ha/41.736 ha đất nông nghiệp (chỉ có hơn 1.000 ha lúa nằm trong đê bao không lấy được nước mặn nên trồng hai vụ lúa), đều cho năng suất cả tôm và lúa khá ổn định. Trong khi đó, huyện An Biên cũng có xu hướng mở rộng diện tích “tôm - lúa”. Hiện toàn huyện có 21.000 ha/28.700 ha diện tích lúa được thả nuôi tôm.

Ông Ngô Trấn Hỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Biên cho biết, hiện toàn huyện đã xuống giống 100% diện tích, tuy có nắng nóng kéo dài những chưa thấy dấu hiệu ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của tôm. Nếu cứ diễn biến như hiện nay thì người dân sẽ thắng cả tôm lẫn lúa. Năm nay, vụ lúa tại An Biên kết thúc sớm để chuyển sang thả tôm nên dường như bà con không bị ảnh hưởng bởi đợt giá lúa giảm sâu trong thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua.

Một trong những nơi được cho là người dân sẽ “ăn trọn” cả lúa lẫn tôm là HTX nông nghiệp Bào Trâm thuộc huyện An Biên. Đến thời điểm này, xã viên HTX nông nghiệp Bào Trâm đã thả nuôi tôm sú được khoảng gần ba tháng, nhiều hộ đã bắt đầu thu hoạch, tôm đạt trung bình khoảng 30 con/kg. Ngay đầu vụ, giá tôm được bán 195.000 đồng/kg và dự kiến năng suất tôm đạt bình quân khoảng 420 kg/ha.

Ông Lương Văn Nhâm, Giám đốc HTX nông nghiệp Bào Trâm cho biết, năm 2015, HTX chính thức chuyển đổi sang mô hình “tôm - lúa” và đến thời điểm này đã thực hiện được 84/174 ha lúa hai vụ sang một vụ lúa, một vụ tôm. Vụ lúa vừa qua, HTX đã được Công ty CP Trung An ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ lúa trên diện tích thả tôm với giá bình quân 7.000 đồng/kg lúa tươi (giá lúa thường 5.200 đồng/kg), trong khi năng suất tương đương nhau với khoảng bảy tấn/ha.

Tại Cà Mau, mô hình “tôm - lúa” cũng đang phát huy rất hiệu quả khi được áp dụng trên cả khu vực nước mặn - ngọt. Ban đầu, chỉ vài hộ sản xuất tôm nước lợ từ những vùng tự phát nằm xen trong các vùng ngọt, nhưng đến nay tổng diện tích “tôm - lúa” đã lên đến hơn 49.000 ha. Trong đó, hơn 43.000 ha chuyển từ đất trồng lúa sang sản xuất chuyên tôm và luân canh “tôm - lúa”, chiếm gần một phần tư tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Phần lớn diện tích tự phát tập trung trên địa bàn huyện Thới Bình. Đây cũng được xem là “thủ phủ” của mô hình “tôm - lúa” ở Cà Mau. Tuy bị coi là “sinh sau, đẻ muộn” nhưng kết quả từ thực tế cho thấy, vùng tự phát sau khi chuyển sang canh tác “tôm - lúa”, hiệu quả trên cùng diện tích đất nâng lên từ 61 đến hơn 65,4 triệu đồng/ha/năm, gấp khoảng ba lần so thời kỳ chuyên nuôi trồng cây, con hệ ngọt.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình cho biết, năm 2018, toàn huyện có hơn 21.300 ha nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa, năng suất bình quân khoảng 4,1 tấn/ha, giá bán thấp nhất là 4.800 đồng/kg, đối với lúa tại vùng tôm giá được thu mua cao nhất 7.900 đồng/kg. Với mức giá nêu trên và cộng thêm nguồn thu từ con tôm, niên vụ “tôm - lúa” năm 2018, thấp nhất bình quân một nhà nông thu lợi khoảng 60 triệu đồng/ha.

Xây dựng thương hiệu cho “tôm - lúa”

Lý giải về lựa chọn của nông dân với mô hình “tôm - lúa”, Ths Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau khẳng định, thực tế sản xuất cho thấy, gieo trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra xung đột mà còn có tác dụng bổ trợ cho nhau, giúp cây lúa ít bệnh hơn so độc canh cây lúa. Ngược lại, con tôm cũng ít bệnh hơn so độc canh nuôi tôm.

Theo phân tích của ông Huy, sau khi nuôi một vụ tôm thì nhà nông tiến hành gieo trồng vụ lúa. Quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa, nhiều mầm bệnh gây hại tôm sẽ không sống được ở môi trường nước ngọt và ngược lại. Cùng với đó, sau vụ nuôi tôm, chất thải hữu cơ dưới đáy ao sẽ được bộ rễ cây lúa hấp thụ, làm cho ruộng lúa màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng phân nhỏ là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây. Ngược lại, sau khi thu hoạch lúa, một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa phân hủy, kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm. Ngoài ra, trồng lúa trên đất tôm còn hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất ngập mặn lâu. Chính vì lợi ích kép nêu trên mà nhà nông canh tác mô hình “tôm - lúa” giảm được chi phí khá lớn về phân bón, sản phẩm tạo ra an toàn, thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đây cũng được coi là cách thức canh tác nông nghiệp thông minh và bền vững hiện nay.

Nói về định hướng phát triển mô hình “tôm - lúa” trên địa bàn, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, để nâng được “tầm” cho mô hình “tôm - lúa” thì cần tập trung xây dựng thương hiệu cho con tôm, hạt lúa trên diện tích thực hiện mô hình “tôm - lúa”. Thực tế, sau thời gian kiểm chứng về hiệu quả và tính bền vững, giờ đây, “tôm - lúa” đã trở thành mô hình canh tác chủ lực đối với nhà nông nhiều địa phương vùng ngọt “chưa khép kín” của tỉnh Cà Mau. Đồng thời còn được xem là lối canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với hạn - mặn và biến đổi khí hậu… Đơn cử như tại huyện Thới Bình, dự kiến, đến tháng 5-2019 toàn huyện sẽ có khoảng 10.000 ha lúa trong mô hình “tôm - lúa” được công nhận thương hiệu “lúa sạch”.

Một trong những lợi thế lớn nhất khi xây dựng thương hiệu “tôm sạch, lúa sạch” là tại các tỉnh như: Kiên Giang, Cà Mau… ở những vùng thả nuôi tôm trên diện tích lúa đều được thực hiện một cách tự nhiên. Người nuôi tôm kể từ thả con giống cho đến khi thu hoạch không can thiệp gì từ thức ăn, thuốc hóa học vào ruộng tôm. Người dân luôn cho rằng, nguồn thu nhập từ tôm là chính và trồng lúa chỉ để bảo vệ cho con tôm nên đã không dùng chất hóa học như phân đạm, thuốc trừ sâu để phun lúa. Từ những diện tích “tôm - lúa” đã tạo ra lượng lớn sản phẩm tôm sạch, lúa sạch.

Tuy nhiên, mới chỉ có một phần sản phẩm lúa sạch của những HTX chuyên canh “tôm - lúa” được doanh nghiệp đến ký hợp đồng mua với giá cao hơn lúa thường từ 1.800 đồng đến 2.000 đồng/kg. Còn với con tôm thả nuôi trên diện tích đó giá thu mua không có gì khác biệt với các loại tôm thông thường, do vậy hiệu quả kinh tế vẫn còn chưa cao.

Theo ông Võ Quốc Hảo, chuyên viên Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, phải xây dựng thương hiệu thì mới có thể mang lại giá trị thực cho con tôm, cây lúa ở những mô hình “tôm - lúa”.

(Còn nữa)