Tổ chức và hoạt động chuyển giao công nghệ: Kinh nghiệm của Australia và đề xuất cho Việt Nam

Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội vừa phối hợp với Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức hội thảo Tổ chức và hoạt động chuyển giao công nghệ: Kinh nghiệm của Australia và đề xuất cho Việt Nam. Tham dự hội thảo có PGS. TS Vũ Văn Khiêm – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN, TS. Bùi Văn Quyền – Vụ trưởng, trợ lý Bộ Trưởng Bộ KH&CN, GS.NGND Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Hải – Chủ nhiệm nhiệm vụ Nghị Định Thư và các đại biểu là các doanh nghiệp, Viện trường.

 

Hội thảo là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN theo Nghị định thư “Nghiên cứu kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động chuyển giao công nghệ của Australia, đề xuất mô hình tổ chức và hoạt động CGCN phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm, kiến thức mang tính lý luận, thực tiễn về tổ chức và hoạt động CGCN, kinh nghiệm của Australia về đề xuất cho Việt Nam. Từ đó rút ra bài học, đề xuất các kiến nghị đối với cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách KH&CN. Tham dự hội thảo là các nhà nghiên cứu, quản lý về KH&CN đến từ các viện nghiên cứu, Bộ KH&CN, trường đại học, Sở KH&CN các tỉnh phía Nam, doanh nghiệp,....

Pgs.Ts. Trần Văn Hải – Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho biết, các mô hình tổ chức và hoạt động CGCN ở Australia diễn ra khá sôi động. Tại Australia, các tổ chức nghiên cứu công, trong một môi trường tương đối tự do, chịu trách nhiệm tài trợ cho các hoạt động CGCN của chính các tổ chức nghiên cứu công. Australia có hai mô hình hoạt động GCCN là hình thành các công ty bên ngoài các tổ chức nghiên cứu công như các công ty vệ tinh hàn lâm và thành lập một thể chế nội bộ. Ngoài ra, Australia còn mở rộng các liên minh quốc tế về CGCN. Các liên minh này thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nước cũng như thúc đẩy các đối tác và các liên minh. Ví dụ như Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Australi giúp thúc đẩy các đối tác giữa Australia và các nước đang phát triển. Bên cạnh rất nhiều các tổ chức CGCN, liên minh và đối tác trên khắp thế giới, Australia còn có một tổ chức mang tính toàn cầu. Đó là tổ chức Liên minh nghiên cứu toàn cầu có chức năng như là tổ chức kết nối các nhà khoa học để đưa ra công nghệ hữu ích cho một đối tác. Điều quan trọng nhất của tổ chức này là kết nối các nhà khoa học để tìm ra được công nghệ tốt nhất cho một yêu cầu cụ thể của bất kỳ đối tác nào trên khắp thế giới.

Ts. Phạm Duy Hiếu – Viện Công nghệ cao, Trường ĐH Công nghệ Tp.HCM cho biết thêm, việc CGCN tại Australia được hỗ trợ bởi hoạt động của một số đơn vị. Viện CGCN trang bị các kiến thức và kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện hiệu quả CGCN. Viện này có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong việc đào tạo CGCN, các dịch vụ tư vấn. Tạp chí quốc tế về CGCN và thương mại hóa công nghệ là nguồn thông tin trong các lĩnh vực phổ biến kiến thức và CGCN cũng như thương mại về các ngành liên quan. Theo Ts. Hiếu, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong CGCN nên cần học tập Australia việc thành lập các đơn vị như  Viện CGCN Việt Nam để đào tạo, tư vấn và phổ biến chuyên ngành hoạt động CGCN trong nước và quốc tế. Tạp chí quốc tế về chuyển giao và thương mại hóa công nghệ, trong đó trình bày các nghiên cứu về CGCN, chính sách cho CGCN ở các quốc gia,… Đồng thời tăng cường hoạt động NCKH trong các trường đại học bằng các đơn đặt hàng hợp tác nghiên cứu giữa đại học – công nghiệp – chính phủ. Đẩy mạnh việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

ThS. Nguyễn Đức Minh (ĐH Công nghệ Tp.HCM) cho rằng, thị trường công nghệ Việt Nam hiện chưa có các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn công nghệ, đàm phán thương thảo và ký kết hợp đồng CGCN. Trong khi đó, các dịch vụ này thực sự cần thiết và không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường nhằm cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Công tác nghiên cứu, CGCN trong các trường đại học là hoạt động rất quan trọng. Tuy nhiên, kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất để triển khai CGCN ở các trường đại học còn thiếu thốn, lạc hậu, không đồng bộ so với cơ sở sản xuất kinh doanh. Những vấn đề trên đã làm hạn chế rất nhiều đến hoạt động nghiên cứu và triển khai CGCN cần sớm được khắc phục.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Khiêm đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp có giá trị, góp phần vào thành công tốt đẹp của hội thảo. 

Nguồn: Cục Công Tác phía Nam, Bộ KH&CN