Công nghệ mới nuôi cá tra bền vững

Tại Cần Thơ, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên toàn cầu tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) vừa tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững nghề nuôi cá tra qua ứng dụng công cụ E-Map và IoT”.

Hội thảo đã giới thiệu những bước tiến công nghệ hiện đại mới nhất ứng dụng trong nuôi cá tra như: Công cụ Bản đồ vùng nuôi cá tra (E-MAP); cải tiến phương pháp cho cá tra ăn để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn; sử dụng công nghệ IoT (Internet of Things) kiểm soát tự động môi trường nước ao nuôi cá tra thâm canh.

Đặc biệt với công cụ E-Map, VINAPA đã cập nhật 300 vùng nuôi cá tra thuộc 6 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang), tổng số 1.805 ao nuôi cá tra, với diện tích 1.800ha.

Hiện người tiêu dùng quan tâm đặc biệt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá tra, bởi chất lượng sản phẩm được kiểm soát từ khâu nuôi trồng đến xuất khẩu. Do đó qua sử dụng công cụ E-map người nuôi, doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm thông tin và xác định chính xác vị trí vùng nuôi trên hệ thống.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc đòi hỏi phải ứng dụng được các công cụ của IoT như quản lý tập trung, kiểm soát liên tục, thống kê, phân tích chuyên sâu, lưu trữ và  xây dựng được bộ dữ liệu qua nhiều năm SX.

Hơn nữa sử dụng công nghệ IoT kiểm soát tự động môi trường nước ao nuôi cá tra thâm canh thông qua điện thoại thông minh sẽ giúp người nuôi giám sát ao nuôi mọi lúc mọi nơi, quản lý tăng trưởng, mùa vụ; kiểm soát quá trình SX theo VietGAP; lập dự toán và quản lý chi phí toàn mùa vụ.

Theo xu hướng phát triển sắp tới, ứng dụng công nghệ mới sẽ cập nhật đầy đủ dữ liệu trên 4.000 ao nuôi với khoảng 6.000ha ở vùng ĐBSCL, làm nền tảng cho đề án khảo sát đánh giá tác động xâm nhập mặn đến môi trường và hiệu quả kinh tế trong nuôi cá tra thương phẩm.

Nguồn: nongnghiep.vn