Ngày 25/4/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hội thảo “Sáng chế với khởi nghiệp sáng tạo”.
Tham dự Hội thảo có Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; Ông Vương Đức Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Ông Bùi Văn Quyền - Phó Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam cùng gần 100 đại biểu là các doanh nghiệp, các nhà sáng chế, nhà khoa học và các đại diện cơ quan quản lý.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Ngân Sơn cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó bao gồm hoạt động tư vấn, hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các startup nên sớm đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, sáng chế,… nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Trong quá trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài và phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, việc bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ (TSTT), trong đó bao gồm các sáng chế sẽ trở nên cần thiết.
Tại hội thảo, các cán bộ quản lý và doanh nghiệp khởi nghiệp đã được tiếp cận thêm các thông tin về vai trò của sáng chế trong sản xuất kinh doanh và trong khởi nghiệp sáng tạo; các chính sách của Bộ KH&CN về hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo; cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khởi nghiệp bằng sáng chế; tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự thành công trong khởi nghiệp. Chia sẻ những khó khăn thách thức mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình khởi nghiệp từ sáng chế, ông Thân Thế Hào (Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong) cho hay, hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn ngại đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới; ngân hàng chưa quan tâm đối với các sản phẩm khởi nghiệp; nhiều rủi ro trong bảo mật các ý tưởng sáng chế;… trong quá trình khởi nghiệp, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn như nhân viên còn thiếu hiểu biết về pháp luật SHTT, thiếu kiến thức thị trường và các mối quan hệ để đưa sản phẩm vào thương mại cũng là những trở ngại của doanh nghiệp khởi nghiệp từ sáng chế.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với nhiều mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra còn có một số chính sách liên quan đến phát triển doanh nghiệp như: Chương trình Phát triển thị trường công nghệ đến năm 2020 theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp về ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN; Chương trình Hỗ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; Dự án FIRST, IPP2 về đổi mới sáng tạo, Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo (Bộ KH&CN)… Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu, hoạt động khởi nghiệp từ các sáng chế còn gặp khá nhiều bất cập; một số chính sách ưu đãi chưa đến được với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể là, các chương trình, dự án hiện nay chủ yếu tập trung vào khâu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ; chương trình hỗ trợ đa phần chỉ mới hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ ở mức vừa và nhỏ; chưa có những đào tạo liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…Vì vậy cần xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần, thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ban hành các chính sách tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 35 và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 844/QĐ-TTg.
Nguồn: Cục Công tác phía Nam
Tin mới
Các tin khác
- Khu Công nghệ cao TPHCM: Khánh thành xưởng thực hành tự động hóa - 07/03/2017 09:01
- Tp.Hồ Chí Minh: Giới thiệu Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN giai đoạn 2016 - 2020 - 23/02/2017 03:27
- Triển lãm “Festival quốc tế nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” - 15/02/2017 07:57